Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch _ Ảnh: hochiminh.vn
Pierre Rocolle, một cựu sĩ quan trong quân đội Pháp đã từng tham gia chiến tranh Đông Dương, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ lịch sử với chủ đề về Điện Biên Phủ: “Tại sao là Điện Biên Phủ?” (Đại học Lille (Pháp), 1967). Đây là một trong những công trình khoa học nghiên cứu khá sớm về Điện Biên Phủ. Qua nghiên cứu, Pierre Rocolle cho rằng: “Điện Biên Phủ là một sự kiện lớn trong lịch sử nước Pháp và thậm chí cả thế giới”. Diễn biến của trận chiến Điện Biên Phủ được Pierre Rocolle đánh giá là “hoàn toàn mang tính chiến thuật”. “Ở phía Pháp, chính việc bổ sung các lỗi cục bộ và sự thiếu vắng sự can thiệp của máy bay chiến đấu Mỹ đã quyết định sự thất thủ của Điện Biên Phủ, trong khi ở phía kia (VNDCCH - ĐQH), chính sự chấp nhận những hy sinh to lớn và sự hỗ trợ ngày càng tăng từ phía Trung Quốc đã mang lại thành công”. Từ kết quả nghiên cứu luận án, Pierre Rocolle đã cho xuất bản cuốn sách mang tên “Pourquoi Dien Bien Phu?”(Điện Biên Phủ, Tại sao?) (Nxb. Éditions Flammarion, 1968). Piere Rocolle cho rằng: sự bất lực của máy bay ném bom trong việc vô hiệu hóa các đường tiếp cận, trách nhiệm của Tướng Navarre, vai trò Tướng De Castries chỉ huy tại Điện Biên Phủ, về những thất bại hay sự miễn cưỡng của chính phủ hoặc các nghị sĩ... là những nguyên nhân dẫn đến kết quả của mỗi bên. Giải thích về nguyên nhân thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, Pierre Rocolle đã trích dẫn lời Tướng Ely: “Chính khía cạnh tâm lý của sự thất bại đã khiến nó trở nên nghiêm trọng trong cuộc chiến tranh có lợi mà chúng ta đang trải qua ở Đông Dương và nơi mà yếu tố đạo đức có vai trò quyết định hơn bất kỳ cuộc chiến nào khác”. Từ đó, Pierre Rocolle đã phê phán sai lầm của Pháp: sự kém cơ động của bộ binh, thiếu nhân sự ở hầu hết các tiểu đoàn, thiếu hiểu biết về các quy tắc tổ chức địa hình, sự quá thận trọng của các phi công, sai lầm cơ bản của lính pháo binh trong việc đánh giá khả năng của pháo binh Việt Minh, sự hoảng loạn của một số đơn vị quân Pháp,... Pierre Rocolle kết luận Điện Biên Phủ thất bại vì cuộc chiến tranh do nước Pháp khởi xướng đã bị thua trước. Thất bại ở vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam với một số lượng lớn sĩ quan, binh sĩ bị bắt giữ đã gây ấn tượng mạnh, là cú sốc chính trị, tinh thần đối với cả nước Pháp.
Với tiểu luận “General Vo Nguyen Giap: Operational Genius or Lucky Amateur” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thiên tài quân sự hay Tài tử may mắn), công bố ngày 12/11/1993, Trung tá Naval Air College khẳng định, Võ Nguyên Giáp là một tấm gương xuất sắc về nghệ thuật tác chiến. Thành công của ông không phải là may mắn. Đó là sự kiên nhẫn áp dụng các nguyên tắc quân sự cơ bản trong một môi trường độc đáo. Tác giả nêu rõ: hiểu nghệ thuật tác chiến là một kỹ năng quan trọng của sĩ quan quân đội đương thời và Tướng Giáp đã có những đóng góp sâu sắc cho nghệ thuật quân sự. Nhờ việc vận dụng sáng tạo các học thuyết quân sự trên thế giới, Tướng Giáp đã hình thành một khái niệm Chiến tranh nhân dân độc đáo, nắm bắt được bản chất của bộ ba Clausewitz - Quân đội, Chính phủ, Nhân dân và thúc đẩy một kỷ nguyên của tư duy hoạt động đổi mới, đặc biệt được áp dụng cho chiến tranh nổi dậy. Các chiến dịch của ông trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất cung cấp những ví dụ đáng giá về nghệ thuật tác chiến trong các cuộc kháng chiến.
Luận văn thạc sĩ của Thiếu tá Bruce H. Hupe với đề tài “The Generalship of General Henri E. Navarre during the Battle of Dien Bien Phu” (Tổng Tư lệnh Henri E. Navarre trong trận Điện Biên Phủ) được bảo vệ vào năm 1994, tại trường Tham mưu và Chỉ huy cao cấp Fort Leavenworth - Kansas. Bruce H. Hupe đã nghiên cứu về Henri E. Navarre, Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tác giả của Kế hoạch Navarre với tâm điểm là trận Điện Biên Phủ năm 1954. Luận văn đã sử dụng mô hình tướng lĩnh trong học thuyết của Quân đội Mỹ, Cẩm nang dã chiến 22-103, Lãnh đạo và Chỉ huy ở cấp cao để phân tích hành động của tướng Navarre. Kết luận được đưa ra là sự thất bại của quân Pháp trong trận Điện Biên Phủ năm 1954 phần lớn là do sự thất bại trong lãnh đạo cấp cao của tướng Henri E. Navarre.
Tiểu luận nghiên cứu chiến lược “The Battle of Dien Bien Phu: Strategic, Operational and Tactical Failure” (Trận Điện Biên Phủ: Thất bại về mặt chiến lược, tác chiến và chiến thuật) (Army war College Carlisle Baracks PA, 1999) của Trung tá Patrick W. Shull là công trình nghiên cứu điển hình về trận Điện Biên Phủ năm 1954. Bài viết tập trung vào việc Pháp đã không xây dựng được một chiến lược khả thi để giành chiến thắng trong cuộc chiến, trong đó, có trận Điện Biên Phủ. Tác giả đã nghiên cứu các bài học rút ra từ trận chiến này và sự thất bại của Pháp ở từng cấp độ chiến tranh - chiến lược, tác chiến và chiến thuật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Trung tá Jeff Miser với tiểu luận “Resupply at the Battle of Dien Bien Phu: What Lessons Were Learned and How Are They Applied to Today's Military Operations” (Tiếp tế trong trận Điện Biên Phủ: Bài học rút ra và áp dụng vào hoạt động quân sự ngày nay) công bố năm 2001 là một nghiên cứu điển hình về các hoạt động của các đơn vị nhỏ, riêng biệt có ý nghĩa chiến lược lớn mà không nhận được hỗ trợ trong chiến đấu. Tiểu luận tập trung trình bày sự thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ trong việc hỗ trợ về mặt hậu cần cho một chiến lược khả thi để giành chiến thắng trong cuộc chiến hay cụ thể là trận chiến thất bại này đã làm suy yếu mọi nỗ lực của người Pháp nhằm giành chiến thắng. Những sai sót về hậu cần của Pháp trong việc lập kế hoạch hoặc thiếu quan tâm đến khía cạnh hậu cần của chiến dịch đã khiến quân Pháp bị thất bại.
Cuốn sách “Giap et Clausewitz” (Giáp và Clausewitz) của T. Derbent, do Aden Brucxen (Bỉ) xuất bản năm 2006 là một trong những cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của một tác giả phương Tây. Tác giả Derbent đánh giá sâu sắc về Đại tướng khi đưa ra sự liên hệ thú vị về ông và Tướng Clausewitz - Nhà nghiên cứu lý luận và sử học quân sự nổi tiếng của nước Phổ thế kỷ thứ XIX. Trong tác phẩm, Derbent đã đề cập đến về trận quyết chiến Điện Biên Phủ với ý nghĩa “Điện Biên Phủ như là trận chiến quyết định của Clausewitz”. “Chính là sau khi đọc Clausewitz, Tướng Giáp nhập cuộc vào trận chiến Điện Biên Phủ”. Tác giả đã miêu tả bằng lối làm việc chỉ huy trực tiếp trên thực địa, Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã có “quyết định khó khăn nhất trong đời mình”, chuyển phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang áp dụng một cách đánh khác, “đánh chắc, tiến chắc”, kiên trì “bóc vỏ” Điện Biên từng bước một, cho đến khi thắng lợi hoàn toàn. Là Tổng Tư lệnh chiến dịch ở Điện Biên năm 1954, Võ Nguyên Giáp đã không chỉ chỉ huy một “cuộc chiến tranh nhỏ” theo cách nói của Clausewitz mà thực sự đã điều khiển một cuộc chiến tranh lớn với nhiều binh chủng, nhiều loại vũ khí, từ những loại súng năm 1914, đến cả những dàn tên lửa hiện đại Kachiusa. Tác giả cho rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là “bậc thầy của chiến tranh du kích” như các nhà quân sự nước ngoài đã đánh giá, mà ông còn là người điều khiển tuyệt vời khéo léo chiến tranh chính quy, bằng vận động chiến, trận địa chiến quy mô, chỉ huy tác chiến bằng nhiều binh chủng hợp thành. Từ cuốn sách, tác giả đã thể hiện thiện chí đáng trân trọng, một tấm lòng bè bạn đáng quý của một người nước ngoài muốn tìm hiểu Việt Nam qua những nhân vật tiêu biểu.
Tiến sĩ Mike Hennelly, trong bài viết công bố ngày 10/9/2021 về “The Fortress of Broken Dreams: Strategic Lessons of Dien Bien Phu” (Pháo đài của những giấc mơ tan vỡ: Bài học chiến lược Điện Biên Phủ) đặt ra vấn đề chiến lược dai dẳng của Điện Biên Phủ tập trung vào một câu hỏi đơn giản là làm sao người Pháp có thể thua được? Tác giả cho rằng, trận Điện Biên Phủ là trận chiến của các đơn vị thông thường chiến đấu với nhau. Quân đội Pháp nổi tiếng thế giới về việc xây dựng công sự và sử dụng pháo binh, cả hai đều phát huy tác dụng ở Điện Biên Phủ. Người Pháp đã sử dụng một số máy bay hiện đại nhất thế giới lúc đó xung quanh Điện Biên Phủ khi họ tìm cách tiêu diệt lực lượng Việt Minh và ngăn chặn các đường tiếp tế của Việt Minh. Lực lượng quân Pháp được chỉ huy bởi những sĩ quan có thành tích chiến đấu xuất sắc trong chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng vẫn dẫn đến thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tình trạng phụ thuộc chiến lược không được thừa nhận này càng trở nên rõ rệt hơn khi vòng vây Điện Biên Phủ được siết chặt. Khi cuộc bao vây lên đến đỉnh điểm, người Pháp nhận ra rằng, họ không có đủ sức mạnh không quân để phá vỡ dấu ấn chiến thuật và hậu cần khổng lồ của Việt Minh đã được xây dựng xung quanh Điện Biên Phủ. Trong một động thái tuyệt vọng cuối cùng, Chính phủ Pháp quay sang Mỹ và yêu cầu các cuộc không kích lớn từ máy bay ném bom hạng nặng B-29. Sau thảm họa Điện Biên Phủ, để biện minh cho thất bại, Tướng Navarre đã cố gắng bảo vệ thành tích của mình với ý kiến rằng “Điện Biên Phủ có lẽ đã hấp thụ được 5% lực lượng chiến đấu của Pháp ở Đông Dương, nó đã trói chân tới 50% lực lượng Việt Minh” và phần lớn viện trợ quân sự (mà Việt Minh nhận được) từ Trung Quốc”. Tác giả đã kết luận: Trớ trêu thay, nỗ lực yếu ớt này nhằm xoay chuyển kết quả của Điện Biên Phủ thực sự đã làm nổi bật những tính toán sai lầm chiến lược của Pháp. Thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ xảy ra do sự phụ thuộc của Pháp vào nguồn lực của Mỹ dẫn đến sự thiếu kỷ luật và mức độ liều lĩnh trong việc ra quyết định chiến lược của Pháp.
Trận địa pháo 12,7mm bắn máy bay địch tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Qua khảo cứu các công trình trên đây, có thể thấy rằng các nghiên cứu của các học giả nước ngoài về chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ; khẳng định sức thu hút và ảnh hưởng to lớn, vang xa của Chiến thắng Điện Biên Phủ trên thế giới. Các nghiên cứu đều có chung cách trình bày và quan điểm đánh giá rằng: Kế hoạch của Pháp ở Điện Biên Phủ đã mắc phải sai lầm ngay từ đầu; sự thất bại chính từ trong lãnh đạo cấp cao của quân Pháp. Quân Pháp đã mắc sai lầm cả về chiến lược và chiến thuật. Đó là sự khủng hoảng của quân lính Pháp, sự kém cơ động của lực lượng bộ binh, thiếu nhân sự ở hầu hết các tiểu đoàn, sự thiếu hiểu biết về các quy tắc tổ chức địa hình. Chính những sai lầm cơ bản đã dẫn đến thái độ tự tin đến mức ngạo mạn của pháo binh Pháp. Mặt khác, thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ còn do sự phụ thuộc của Pháp vào nguồn lực của Mỹ dẫn đến sự thiếu kỷ luật và mức độ liều lĩnh trong việc ra quyết định chiến lược của Pháp. Tất cả điều đó khiến cho quân Pháp không thể tránh khỏi thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ.
Các nghiên cứu của học giả nước ngoài cũng đã khẳng định những thắng lợi to lớn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong trận Điện Biên Phủ, ca ngợi thiên tài quân sự của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Những nghiên cứu này đã góp phần khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là thắng lợi của đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, trong đó tự lực cánh sinh là nhân tố chủ yếu, ngoại viện là quan trọng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, là mốc vàng mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam; mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, thúc đẩy sự phát triển của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Bên cạnh đó, vẫn còn có một số nghiên cứu thiếu khách quan do lập trường quan điểm, hoặc do không có đầy đủ các nguồn tư liệu khi so sánh thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ (1954) với cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968), hoặc trận Khe Sanh (1968), nên đã đưa ra những cách nhìn nhận phiến diện, đánh giá rất sai lệch, thiếu chính xác cho rằng thực dân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, còn Mỹ đã rút kinh nghiệm nên đã “thành công” trong Tết Mậu Thân (1968), hay trận Khe Sanh (1968). Đây hoàn toàn là những đánh giá chưa phù hợp và sai thực tế lịch sử. Chúng ta cần tích cực đấu tranh phản bác lại âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, bóp méo và hạ thấp vị thế chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thành quả đó là bản anh hùng ca của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trong đó, chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(1).
Các nghiên cứu của học giả nước ngoài cũng đã khẳng định những thắng lợi to lớn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong trận Điện Biên Phủ, ca ngợi thiên tài quân sự của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Những nghiên cứu này đã góp phần khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là thắng lợi của đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, trong đó tự lực cánh sinh là nhân tố chủ yếu, ngoại viện là quan trọng. |
PGS. TS. ĐINH QUANG HẢI
Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử
(1) Lê Duẩn: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2008, t.2 (1965 - 1975), tr. 582.
(Theo Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương)