Nội dung cơ bản Nghị quyết thông qua tại Kỳ họp 11 HĐND tỉnh Tây Ninh Khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thứ năm - 04/04/2024 10:39 780 0
Tại Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 , HĐND tỉnh đã xem xét, biểu quyết thông qua 10 Nghị quyết chuyên đề, Cổng Thông tin điện tử tỉnh giới thiệu tóm tắt nội dung các Nghị quyết được thông qua như sau:

1. Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời (đoạn từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng)

HĐND tỉnh thống nhất thông qua chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời (đoạn từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng). Với mục tiêu hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, mở rộng tuyến kết nối với các trục đường chính là đường 30/4, đường Điện Biên Phủ và đường ĐT.784 phục vụ nhu cầu vận chuyển, đi lại, góp phần phát triển du lịch địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Tây Ninh nói riêng và của tỉnh nói chung.

Quy mô đầu tư với chiều dài khoảng 5,012km, quy mô 6 làn xe, mặt đường rộng 23m có kết cấu bê tông nhựa cấp cao A1, vỉa hè rộng 8 mét (mỗi bên rộng 4m), nền đường rộng 31m; phần cầu (K18 – bắc qua kênh Tây) mở rộng khổ cầu phù hợp với quy mô nền đường, tổng bề rộng 31 mét. Hoàn thiện hệ thống thoát nước, chiếu sáng và an toàn giao thông.

Đây là dự án đầu tư công trình thuộc nhóm B, lĩnh vực giao thông với tổng mức đầu tư dự kiến: 433.753.819.000 đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh. Phạm vi, địa điểm thực hiện: Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Thời gian thực hiện dự án: Thực hiện năm 2024-2027.

2. Nghị quyết kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án Lắp đặt hệ thống camera giám sát công nghệ cao tại các cửa khẩu.

HĐND tỉnh thống nhất phê duyệt kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án lắp đặt hệ thống camera giám sát công nghệ cao tại các cửa khẩu, thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đến hết năm 2024.

3. Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2024 - nguồn vốn ngân sách nhà nước.

HĐND tỉnh thống nhất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách nhà nước, cụ thể:

- Nguồn ngân sách địa phương: Điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án và mức vốn phân bổ tại Phụ lục đính kèm mục a, khoản 1, Điều 3 - Ngân sách cấp tỉnh ( Điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã giao của một số dự án 158 tỷ đồng; Điều chỉnh tăng kế hoạch vốn để phân bổ cho các dự án từ nguồn điều chỉnh giảm tại điểm a nêu trên).

- Nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ: Cho ý kiến về việc Điều chỉnh, bổ sung danh mục, mức vốn bố trí cho dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công năm 2024 - nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ tại Phụ lục đính kèm tại Điều 4 - Nguồn ngân sách trung ương (Điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã giao của các dự án là 74 tỷ đồng; Điều chỉnh tăng kế hoạch vốn để phân bổ cho dự án Xây dựng cửa khẩu quốc tế Tân Nam từ nguồn điều chỉnh giảm tại điểm a nêu trên).

4. Nghị quyết về thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 - đợt 2.

HĐND tỉnh thống nhất thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất năm 2024 - đợt 2 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để thực hiện gồm 03 dự án (Nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời (đoạn từ Ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng); Đường Bến Bàu Gõ (nối dài); Xây mới cầu Hòa Bình) với tổng diện tích đất thu hồi là 2,55 ha.

5. Nghị quyết về việc chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 - đợt 1.

HĐND tỉnh thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng 15,68 ha đất (gồm 6,66 ha đất chuyên trồng lúa nước và 9,02 ha đất trồng lúa nước còn lại) để thực hiện 17 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 - đợt 1.

6. Nghị quyết thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045.

HĐND tỉnh thống nhất thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045, với quy mô tổng diện tích tự nhiên theo địa giới hành chính của hai xã Tân Lập và Tân Bình thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh khoảng 34.890 ha.

Với quan điểm và mục tiêu phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tây Ninh, phát huy các tiềm năng, thế mạnh đặc thù của khu kinh tế, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái kết hợp phát triển công nghiệp, đô thị; xúc tiến đầu tư; nâng cấp hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng. Tổ chức không gian Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đảm bảo phát triển toàn diện các hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, giao lưu văn hóa, ngoại giao, chính trị, an ninh quốc phòng. Tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển và tổ chức triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của khu kinh tế theo quy hoạch. Đảm bảo vững mạnh về an ninh, quốc phòng.

Về tính chất chức năng là khu kinh tế cửa khẩu quốc tế, phục vụ các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN; Là một trong các điểm động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tây Ninh; Là trung tâm thương mại - dịch vụ cửa khẩu; trung tâm du lịch sinh thái và là đầu mối giao thông đường bộ trong nước và quốc tế; Là trung tâm bảo tồn rừng, vườn quốc gia, di tích lịch sử văn hóa, gắn với phát triển du lịch; Là khu vực có vai trò quan trọng về đối ngoại, an ninh, quốc phòng. Với 03 động lực phát triển: Thương mại - Dịch vụ - Du lịch sinh thái.

7. Nghị quyết giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

HĐND tỉnh thống nhất giao biên chế cán bộ, công chức cho các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố năm 2024 là 1.791 biên chế (trong đó dự phòng 02 biên chế). Giao biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2024 là 16.931 biên chế. Giao bổ sung 147 biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm học 2023- 2024 ( trong đó mẫu giáo: 93 biên chế; trung học cơ sở: 12 biên chế; trung học phổ thông: 42 biên chế).

8. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục I ban hành kèm theo của Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh quy định nội dung chi và mức chi tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

HĐND tỉnh thống nhất sửa đổi, bổ sung nội dung chi và mức chi cho "Các Phó Trưởng điểm thi" tại cột Thi tuyển sinh đầu cấp; thi vào trường chuyên vào Mục III Công tác coi thi tại Phụ lục I. Sửa đổi, bổ sung nội dung chi và mức chi cho "Ban Thư ký Hội đồng thi" và "Ban vận chuyển và bàn giao đề thi" tại cột Thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cột Thi tuyển sinh đầu cấp; thi vào trường chuyên vào tiểu mục 3, tiểu mục 4 vào Mục VII Ban chỉ đạo, Hội đồng thi tại Phụ lục I của Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh.

9. Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết số 52/2023/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2023 – 2024 đến năm học 2025 - 2026 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

HĐND tỉnh thống nhất Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 52/2023/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh với mức học phí năm học 2023 - 2024 như sau:

- Cấp giáo dục mầm non: mức học phí 60.000 đồng/học sinh/tháng đối với vùng thành thị (phường thuộc thành phố, thị xã; thị trấn thuộc huyện); 30.000 đồng/học sinh/tháng đối với vùng nông thôn (các xã còn lại thuộc thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành và các huyện).

- Cấp giáo dục phổ thông:

+ Trung học cơ sở: mức học phí 65.000 đồng/học sinh/tháng đối với vùng thành thị; 35.000 đồng/học sinh/tháng đối với vùng nông thôn;

+ Trung học phổ thông: mức học phí 70.000 đồng/học sinh/tháng đối với vùng thành thị; 40.000 đồng/học sinh/tháng đối với vùng nông thôn.

10. Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi hỗ trợ nạn nhân và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

HĐND tỉnh thống nhất ban hành quy định một số nội dung, mức chi hỗ trợ nạn nhân và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo quy định tại khoản 3, Điều 7 của Thông tư số 84/2019/TT-BTC ngày 27/11/2019 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và nội dung, mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người.

- Đối tượng áp dụng gồm: Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; Người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24, 25 Luật Phòng, chống mua bán người; Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân; Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân.

- Các nội dung cho công tác hỗ trợ nạn nhân: Chi công tác phí cho cán bộ phục vụ hoạt động xác minh, tiếp nhận, giải cứu, bảo vệ và vận chuyển nạn nhân; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ; Kiểm tra công tác hỗ trợ nạn nhân; Chi hợp tác quốc tế trong việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân; Chi hỗ trợ người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ nạn nhân. Các mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân được quy định cụ thể tại Điều 2 của Nghị quyết.

- Nội dung chế độ hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được quy định tại điểm a, b, c khoản 2, Điều 1 cụ thể như: Chi hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Chi tiền tàu xe và tiền ăn cho nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả; Chi hỗ trợ y tế; Chi hỗ trợ học văn hóa, học nghề (cho nạn nhân đã được cấp giấy xác nhận là nạn nhân bị mua bán); Chi trợ cấp khó khăn ban đầu (cho nạn nhân đã được cấp giấy xác nhận là nạn nhân bị mua bán). Các mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được quy định cụ thể tại Điều 3 của Nghị quyết.

- Về kinh phí thực hiện hỗ trợ nạn nhân và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán từ nguồn ngân sách tỉnh; nguồn kinh phí lồng ghép từ các Chương trình, dự án, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác theo quy định (nếu có).

Thông tin chi tiết kết quả Kỳ họp xem tại đây.

TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây