Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu để ứng phó chống dịch Covid 19

Thứ năm - 27/05/2021 21:00 138 0
Đại dịch COVID-19 đã và đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt là đang gây hậu quả khá nặng nề cho nhiều quốc gia, nhất là một số nước láng giềng trong khu vực. Sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong một thời gian khá lâu nước ta không có ca lẫy nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dịch đã xuất hiện trở lại tại một số địa phương với một số diễn biến nhanh và phức tạp, đe dọa sự nỗ lực của cả cộng đồng nếu không kiểm soát tốt... Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp và lâu dài, chưa thể khẳng định thời điểm kết thúc mặc dù đã có một số loại vắc xin được đưa vào sử dụng. Vì thế, việc phải tiếp tục sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất, cần bảo đảm đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo từng cấp độ, diễn biến của dịch bệnh ở các địa bàn bị phong tỏa, giãn cách.

Dịch có thể bùng phát thành "ổ dịch" trên địa bàn tỉnh từ các nguồn lây nhiễm: Nhập cảnh từ Campuchia, từ các địa phương có dịch về địa bàn tỉnh không khai báo; việc tổ chức cách ly người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm cách ly tập trung không đúng hướng dẫn và các quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, dẫn đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly và ra ngoài cộng đồng. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đang duy trì 15 điểm tiếp nhận cách ly khả năng tiếp nhận 2.424 người. Khi tình hình nhập cảnh và từ các địa phương có dịch về địa bàn với số lượng lớn thì không thể đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh xây dựng Kế hoạch đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo từng cấp độ, diễn biến của dịch bệnh ở các địa bàn bị phong tỏa, giãn cách, như sau:

Trên cơ sở đánh giá số dân, nhu cầu tiêu dùng và đặc điểm hệ thống trên địa bàn tỉnh, có thể đánh giá tình hình thị trường, cung ứng hàng hóa theo 5 cấp độ của dịch bệnh COVID-19: Cấp độ 1, 2: Duy trì 15 điểm cách ly/2.424 người như hiện nay trong 21 ngày; Cấp độ 3: Tổ chức 27 điểm cách ly/5.000 người trong 21 ngày; Cấp độ 4: Tổ chức 46 điểm cách ly/10.000 người trong 21 ngày; Cấp độ 5: Tổ chức 59 điểm cách ly/15.000 người trong 21 ngày.

Ngoài ra, nội dung thực hiện: Hàng hóa thiết yếu phục vụ ứng phó dịch bệnh COVID-19, Dự kiến trị giá hàng hóa để phục vụ 01 người dân trong khu cách ly là 120.000 đồng/người/ngày, với định mức: Tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày, gồm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu: gạo, thịt heo, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, trứng, rau củ quả các loại, mỳ gói, muối ăn, dầu ăn, nước chấm, đường, ...... Các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày. Dự kiến hàng hóa để phục vụ người dân trong khu cách ly, với định mức 01 người trong 21 ngày như sau: 6,3 kg gạo, 1,5 kg thịt heo, 1,2 kg thịt gà, 0,8 kg thịt bò, 1,2 kg thủy hải sản, 12 quả trứng, 7 kg rau củ quả các loại, 12 gói mỳ gói, 105g muối ăn, 0,6 lít dầu ăn, 1,5 lít nước chấm, 0,7 kg đường... Dự kiến tổng trị giá hàng hóa để phục vụ 01 người dân trong khu cách ly trong 21 ngày là 2.520.000 đồng.

Đồng thời, dự kiến trong trường hợp trên địa bàn tỉnh phát sinh khu vực phải tiến hành cách ly để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; dựa trên tình hình thực tế, điều kiện của địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh xây dựng phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu theo từng cấp độ ứng phó với dịch bệnh Covid-19 với một số nội dung cụ thể sau: Phương án cấp độ 1, 2: Lượng hàng hóa cần thiết cung ứng cho khu vực bị cách ly với tổng số người cách ly dự kiến là 2.424 người trong 21 ngày như hiện nay. Tổng giá trị dự trữ hàng hóa là 6.108.480.000 đồng. Phương án cấp độ 3: Lượng hàng hóa cần thiết cung ứng cho các khu vực bị cách ly với tổng số người cách ly dự kiến là 5.000 người trong 21 ngày. Tổng giá trị dự trữ hàng hóa là 12,6 tỷ đồng. Phương án và cấp độ 4: Lượng hàng hóa cần thiết cung ứng cho các khu vực bị cách ly với tổng số người cách ly dự kiến là 10.000 người trong 21 ngày. Tổng giá trị dự trữ hàng hóa là 25,2 tỷ đồng. Phương án cấp độ 5: Lượng hàng hóa cần thiết cung ứng cho các khu vực bị cách ly với tổng số người cách ly dự kiến là 15.000 người trong 21 ngày. Tổng giá trị dự trữ hàng hóa là 37,8 tỷ đồng.

UBND tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực, trực tiếp tham mưu chỉ đạo việc triển khai công tác huy động và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương, khu cách ly và người dân, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa phục vụ nhân dân trong thời gian ứng phó với dịch COVID-19. Huy động và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng hàng hóa tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, tham gia vào hệ thống cung ứng, phân phối, vận chuyển cung ứng hàng hóa cho các khu vực cách ly và nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chất lượng với giá cả hợp lý. 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây