Trong năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ thí điểm triển khai mô hình giáo dục, đào tạo số, tại một số cơ sở giáo dục đào tạo.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành là 1 trong 12 nhiệm vụ trọng tâm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung thực hiện trong năm học 2022 - 2023.
Cụ thể, trong năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu toàn ngành tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo, tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Thực hiện hiệu quả Đề án: "Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" và Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025".
Cũng trong năm học 2022 - 2023, toàn ngành Giáo dục sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác. Phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học, đồng thời triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến.
Đặc biệt, trong năm học sắp tới, ngành Giáo dục sẽ thí điểm triển khai mô hình giáo dục, đào tạo số, tại một số cơ sở giáo dục đào tạo. Triển khai hệ thống quản trị cơ sở giáo dục, hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) toàn ngành, kết nối liên thông với các CSDL quốc gia, ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Trong năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục cũng đã chủ động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Hiện 100% các cơ sở giáo dục đào tạo đã kết nối Internet tốc độ cao, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến.
Kho học hiệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành đã bước đầu hình thành, với gần 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, cuộc thi quốc gia "Thiết kế bài giảng điện tử" do Bộ GD&ĐT phát động, đã có hơn 43.000 bài giảng điện tử do giáo viên biên soạn.
Cùng với đó, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý, điều hành. Hầu hết các đối tượng cần quản lý đã được số hóa, gắn mã định danh, với 51.000 trường học mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh cùng hơn 1,4 triệu giáo viên.
Từ việc số hóa và gắn mã định danh, ngành Giáo dục đã ứng dụng có hiệu quả trong quản lý giáo dục đồng bộ trên phạm vi toàn quốc về quản lý thừa, thiếu và đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên; bước đầu số hóa thông tin phục vụ quản lý sức khỏe học sinh trên cả nước; quản lý điều hành các hoạt động tiếp nhận, phân bổ và bàn giao sử dụng máy tính tới từng học sinh thuộc chương trình "Sóng và máy tính cho em"; theo dõi tiến độ tiêm vắc-xin của học sinh trên cả nước...
Năm học 2021 - 2022 cũng ghi nhận những bước tiến quan trọng của ngành Giáo dục trong xây dựng Chính phủ điện tử. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã thực hiện kết nối thành công CSDL quốc gia ngành giáo dục với CSDL quốc gia về dân cư; kết nối, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,4 triệu giáo viên trên tổng số 1,6 triệu giáo viên (đạt 88%) và khoảng 16 triệu hồ sơ học sinh (đạt 69,5%) trên tổng số 23 triệu học sinh; đến nay đã xác thực được gần 14 triệu hồ sơ giáo viên và học sinh từ CSDL quốc gia ngành với CSDL quốc gia về dân cư.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã kết nối thành công hệ thống phần mềm quản lý thi và hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng với CSDL quốc gia về dân cư, đảm bảo an toàn thông tin và sử dụng ổn định.