Chương trình chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Thứ tư - 31/03/2021 23:00 96 0
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 29/3/2021 Ban hành Quyết định “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, Mục tiêu phấn đấu vào nhóm các tỉnh, thành thực hiện chuyển đổi số khá. Phát triển bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Thực hiện tăng trưởng xanh.

Mục tiêu đến năm 2025: hoàn thiện Chính quyền điện tử và phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức 4 phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử; 50% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất từ hệ thống Trung ương; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 60% trở lên; 100% hồ sơ được giải quyết thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu triển khai ở mức độ 4; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh: Kinh tế số phấn đấu đạt cao hơn mức trung bình chung của cả nước; Năng suất lao động hàng năm tăng nhờ ứng dụng công nghệ số.

Về phát triển xã hội số: Hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Mục tiêu đến năm 2030: Duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 100% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 100% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); Tối thiểu có 02 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh; Mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 01 xã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số; Trên 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;

Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng; Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Duy Mạnh


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây