Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022

Thứ năm - 21/07/2022 12:00 255 0
Ngày 18 tháng 7 năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Công văn số 2256/UBND-NC về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022

Ngày 25 tháng 5 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Báo cáo số 112/BC-BTP công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ tại Báo cáo số 112/BC-BTP. Ngày 18 tháng 7 năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Công văn số 2256/UBND-NC về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022, theo đó Chủ tịch yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các công việc sau:

1. Xác định nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực thực hiện, gắn với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 07/01/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Công văn số 3885/UBND-NC ngày 04/11/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiếp tục thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, đề cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc ban hành văn bản và xử lý văn bản trái pháp luật.

3. Thực hiện đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, đặc biệt là việc xử lý văn bản đã phát hiện qua kiểm tra, rà soát, không để xảy ra trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật gây tác hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Chú trọng việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để kịp thời giải quyết vướng mắc, chấn chỉnh bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

4. Gửi đầy đủ, kịp thời văn bản QPPL do mình ban hành đến Sở Tư pháp để thực hiện kiểm tra; thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ báo cáo, thống kê kết quả kiểm tra, rà soát văn bản QPPL và việc gửi danh mục văn bản trái pháp luật đã phát hiện qua công tác kiểm tra, tình hình xử lý đến Sở Tư pháp để tổng hợp, theo dõi, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.

5. Tiếp tục quan tâm củng cố, bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực và chế độ, chính sách cho công chức làm công tác xây dựng pháp luật nói chung, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL nói riêng. Tăng cường vai trò đầu mối tham mưu, tổ chức thực hiện của cán bộ pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; gắn hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản QPPL với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

Tăng cường cơ chế, phương thức tiếp nhận, xử lý các thông tin báo chí, dư luận xã hội, người dân, doanh nghiệp phản ánh về văn bản QPPL trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp để kịp thời phản ứng chính sách.

6. Tập trung thực hiện việc xử lý các văn bản trên cơ sở rà soát văn bản QPPL thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý nhà nước trong những năm 2020, 2021 (theo kết quả rà soát, công bố). Từ đó, tham mưu đề xuất ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung; bãi bỏ, thay thế cho phù hợp với quy định./.

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây