Kế hoạch nhằm kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đối với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói riêng. Từng bước hạn chế tai nạn thương tích ở trẻ em, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ em và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Theo đó, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 450/100.000 trẻ em. Giảm tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích xuống dưới 7/100.000 trẻ em. 40.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí "Ngôi nhà an toàn"; 90% trường học đạt tiêu chuẩn "Trường học an toàn"; 04 xã, phường đạt tiêu chuẩn "Cộng đồng an toàn". Giảm 25% số trẻ em tử vong do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2015 Giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015. 90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết các quy định về an toàn giao thông. 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 95% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy. 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; 100% nhân viên y tế ấp, khu phố, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích. 40% các huyện, thành phố thuộc tỉnh triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em.
Nội dung Kế hoạch tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội. Nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể. Xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Xây dựng Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Xây dựng Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em. Phòng, chống đuối nước trẻ em. Xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
UBND tỉnh đề ra những giải pháp thực hiện và phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành liên quan thực hiện Kế hoạch.
Theo số liệu thống kê tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 toàn tỉnh hiện có 260.983 trẻ em dưới 16 tuổi và 101.086 trẻ em dưới 6 tuổi; trẻ em bị tai nạn thương tích trong giai đoạn 2013-2015 là 4.193 trẻ, trong đó số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 56 trẻ. Các tai nạn thương tích thường gặp đối với trẻ em là: tai nạn giao thông; bị súc vật cắn, đốt, húc; đuối nước; bỏng; tai nạn lao động…
Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thương tích là thiếu sự quan tâm, giám sát, lơ là chủ quan của các bậc cha mẹ do bận công việc, làm ăn nên trẻ em bị tai nạn thương tích; người dân thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu; vùng sâu, vùng xa thiếu điểm vui chơi, giải trí, vào mùa hè các em thường rủ nhau đi bơi ở ao, hồ, sông, suối mà không biết nguy hiểm. Tuy tỉnh Tây Ninh không nằm trong vùng sông rạch nhiều nhưng tình trạng khai thác khoáng sản không có rào chắn, biển báo cẩn thận cũng góp phần xảy ra nhiều tai nạn thương tâm cho trẻ em.
Minh Đài