Chuyển biến tích cực trong nhận thức và quá trình triển khai xây dựng Chính quyền điện tử

Thứ sáu - 05/06/2020 17:00 39 0

Việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến đột phá quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2020, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin.

Để thống nhất quan điểm và quyết tâm xây dựng thành công Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của tỉnh theo đúng Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nâng cao tính công khai, minh bạch, chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, việc xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2020:

Trên cơ sở Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, UBND tỉnh đã kiện toàn và thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chuyên viên giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh. Đồng thời, ngày từ đầu năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, Đô thị thông minh và thực hiện chỉ tiêu của Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành quy định Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ Chính quyền điện tử các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh nhằm mục đích phục vụ việc đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các địa phương theo mô hình Chính quyền điện tử; theo dõi, phát hiện và chỉ đạo khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý và điều hành; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng và CBCCVC về ứng dụng CNTT; xây dựng các cơ quan điển hình, cá nhân tiêu biểu trong việc ứng dụng CNTT. Đồng thời, đây là cơ sở để UBND tỉnh công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử đối với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã triển khai Hệ thống một cửa điện tử tập trung, cập nhật đầy đủ thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã (1.904TTHC) và cập nhật trình tự thực hiện giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ http://motcua.tayninh.gov.vn. Đây là hệ thống phục vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào quá trình giải quyết TTHC. Đồng thời, đối với việc tích hợp, chia sẽ dữ liệu TTHC và một cửa điện tử tập trung tại địa phương. Bộ phận quản trị một cửa điện tử cập nhật các quy trình trên một cửa thì hệ thống tự động tích hợp lên cổng dịch vụ công tỉnh nhằm công khai toàn bộ quy trình giải quyết, các hình thức tiếp nhận, trả kết quả TTHC của địa phương. Các thống kê, báo cáo việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh được cập nhật liên tục lên Hệ thống dịch vụ công tỉnh.

Hiện nay, hệ thống văn phòng điện tử đã được triển khai cho 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, 100% UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã. Các văn bản điện tử được trao đổi và xử lý trên môi trường mạng được liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện thực hiện nhanh chóng, thông tin chỉ đạo kịp thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đạt tỉ lệ 100% văn bản liên thông trên hệ thống văn phòng điện tử. Hệ thống đã kết nối với trục liên thông Quốc gia thực hiện gửi, nhận văn bản từ Văn phòng Chính phủ đến 03 cấp chính quyền của tỉnh Tây Ninh. Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng được triển khai cho 100% Sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã và được thực hiện ký số trên 07 loại văn bản quy định (Công văn, Báo cáo, Kế hoạch, Thông báo, Giấy mời, Lịch công tác, Văn bản sao gửi) để luân chuyển văn bản điện tử trên môi trường mạng đã góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí của các cơ quan, đơn vị.

Đã triển khai Cổng dịch vụ công tỉnh Tây Ninh theo địa chỉ https://dichvucong.tayninh.gov.vn. Các tổ chức, cá nhân có thể tìm kiếm thông tin về thủ tục hành chính cần thực hiện, tra cứu tình trạng giải quyết thủ thục hành chính từng đơn vị trên địa bàn tỉnh, tra cứu trạng thái giải quyết thủ tục hành chính và nộp hồ sơ dịch vụ công mức độ 3,4. Hiện nay, Cổng thông tin điện tử của tỉnh cung cấp 100% TTHC đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (1.904 thủ tục), trong đó, có 442 TTHC đạt mức độ 3 và 193 TTHC đạt mức độ 4 được triển khai, ứng dụng trên địa bàn tỉnh.

(Ảnh: Cổng dịch vụ công của tỉnh)

 

Hệ thống dữ liệu thông tin kinh tế - xã hội tỉnh được đầu tư xây dựng, nhằm tạo kho dữ liệu chung cho toàn tỉnh, phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước. Đến nay hệ thống đã đưa vào vận hành, sử dụng cho các cơ quan quản lý hành chính cấp tỉnh và cấp huyện trên Web và ứng dụng tra cứu số liệu trên thiết bị di động. Đồng thời, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thành phần của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh cung cấp đầy đủ thông tin đúng theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến.

Phần mềm Họp không giấy đã được triển khai cho tất cả các cơ quan nhà nước trong tỉnh được thực hiện trên giao diện Web và có tính năng nhắn tin qua SMS. Phần mềm đã mang lại lợi ích đáng kể, góp phần tiết kiệm chi phí về: năng lượng điện dùng cho máy in, máy photocopy; giấy dùng để in, phong bì để đựng tài liệu; cước phí bưu chính, đối với các cuộc họp khẩn cấp còn giảm được khoản chi phí rất lớn cho cước phí hoả tốc hẹn giờ; giảm chi phí sửa chữa thiết bị (máy tính, máy in, máy photocopy...) và giảm tối thiểu thời gian phát hành giấy mời và tài liệu cuộc họp. Đồng thời, phần mềm quản lý hạ tầng bưu chính viễn thông trên nền GIS được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bưu chính, viễn thông và internet trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

 

Minh Vy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây