Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu từ ngày 01/7/2016 đến ngày 31/3/2017 trên địa bàn tỉnh triển khai để đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội; đồng thời, gắn với thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Chương trình triển khai theo hướng tăng cường xã hội hóa nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội và tạo điều kiện cho các nguồn lực gắn kết cùng nhau để tăng cường hiệu quả thực hiện nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô và đảm bảo phù hợp với những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh và cả nước. Hàng hóa trong Chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào tham gia cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở số dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến thời điểm hiện tại là khoảng 1,1 triệu người cùng một số lượng khách vãng lai, nhập cư, kế hoạch này dự kiến phục vụ cho khoảng 1,3 triệu người (khoảng 325.000 hộ). Cụ thể, Gạo là 13.000 tấn (bình quân 10kg/người/tháng); Đường là 650 tấn (bình quân 0,5kg/người/tháng); Dầu ăn là 650 tấn (bình quân 0,5lít/người/tháng); Thịt gà là 1.300 tấn (bình quân 1kg/người/tháng); Thịt heo là 1.950 tấn (bình quân 1,5kg/người/tháng); Trứng gà là 5,2 triệu quả (bình quân 4 quả/người/tháng); Rau, củ quả là 2.600 tấn (bình quân 2kg/người/tháng); Nước chấm gồm nước mắm là 390.000 lít (bình quân 0,3 lít/tháng), nước tương 325.000 lít (bình quân 0,25 lít/tháng).
Trong Kế hoạch, UBND tỉnh quy định đối tượng và điều kiện tham gia Chương trình nhằm đảm bảo cung cấp bình ổn 08 mặt hàng thiết yếu gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, trứng, nước chấm (nước tương, nước mắm) và rau, củ, quả. Khi đó, Doanh nghiệp chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình để cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường trong tỉnh. Doanh nghiệp tham gia Chương trình xây dựng và đăng ký giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5% đến 10%; Khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu, cụm công nghiệp, các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; tích cực tổ chức thực hiện các chuyến bán hàng lưu động và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể; chủ động tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường.
Sở Công Thương là cơ quan thường trực của Chương trình, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan xác định danh mục các mặt hàng thiết yếu, lượng hàng phù hợp và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa tham gia Chương trình; Theo dõi sát diễn biến thị trường và tình hình cung - cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa tham gia Chương trình, để kịp thời thực hiện biện pháp bình ổn thị trường; Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình Hợp tác thương mại với các tỉnh, thành trên cả nước, trọng tâm là các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam bộ; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát triển vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối và tạo chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định, có khả năng chi phối, dẫn dắt thị trường.
Gia Huy