Không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc

Thứ sáu - 30/12/2016 15:00 92 0
Ngày 21/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3253/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 nhằm hướng đến việc không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề.

Theo đó, việc đào tạo phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương và quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cấp xã; không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề. Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật; dành khoảng 20% kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn được giao hng năm để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật; đảm bảo việc bồi dưỡng đúng đối tượng, nội dung, chương trình theo quy định, thiết thực, phù hợp thực tiễn; đảm bảo cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch hướng đến phấn đấu đào tạo nghề cho 24.400 người, trong đó: Đào tạo nghề cho khoảng 17.800 lao động (12.880 người học nghề nông nghiệp; 4.920 người học nghề phi nông nghiệp), trong đó đặt hàng dạy nghề khoảng 800 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu 70 lớp với khoảng 6.600 lượt cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%; phấn đấu 100% lao động nông thôn được tuyên truyền phổ biến về chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề.

Về các nhóm đối tượng thực hiện kế hoạch bao gồm 03 nhóm: nhóm 1 bao gồm người khuyết tật; người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; nhóm 2 bao gồm người thuộc hộ cận nghèo (theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020); nhóm 3 bao gồm người học là phụ nữ, lao động nông thôn khác.

Ngoài ra, người học nghề còn được hỗ trợ chi phí đào tạo và mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện giai đoạn 2016-2020 là: 52.010 triệu đồng, bao gồm nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, trong đó nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương: 31.310 triệu đồng; nguồn kinh phí của địa phương: 20.700 triệu đồng. Đối với nguồn kinh phí Trung ương sử dụng cho hỗ trợ mức chi phí đào tạo cho tất cả các nhóm đối tượng; hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại cho đối tượng thuộc nhóm 1 và nhóm 2. Riêng nguồn kinh phí địa phương sử dụng hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng thuộc nhóm 3.

                                                                                  KGVX

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây