Theo đó, trong tháng 8 vừa qua, tình hình quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có một số điểm nổi bật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND tỉnh đề xuất định hướng quy hoạch 18 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 17.048 ha; Khảo sát xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án hạ tầng vùng trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao tại các xã Lộc Ninh, Truông Mít, Phước Minh, Phước Ninh - huyện Dương Minh Châu, xã Bàu Đồn - huyện Gò Dầu, xã Mỏ Công, Tân Phong - huyện Tân Biên. Về quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn lồng ghép với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đã hoàn chỉnh đề cương nhiệm vụ Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030, hiện đang trình UBND tỉnh xem xét.
Về tiến độ xây dựng nhà máy chế biến rau quả Tanifood, hiện nay, hệ thống nhà xưởng chính, tường rào, nhà văn phòng, các công trình đấu nối điện, đấu nối giao thông, thoát nước cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch, dự kiến sẽ chạy thử 3 dây chuyền trong tháng 9 này.
Về chính sách đầu tư vùng nguyên liệu cho nhà máy Tanifood: Công ty Cổ phần Lavifood đã công bố quyết định ban hành chính sách vùng trồng nguyên liệu cho nhà máy giai đoạn 2018-2021. Đồng thời, đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai chính sách vùng trồng cho nông dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hoàn thành các thủ tục trình UBND tỉnh phân khai nguồn vốn 858 triệu đồng hỗ trợ nông dân huyện Trảng Bàng và huyện Tân Biên, hướng dẫn 4 nông dân xây dựng các dự án để tiếp cận chính sách hỗ trợ cánh đồng mẫu lớn. Về xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Sở đang phối hợp cùng với các địa phương rà soát các mô hình sản xuất thanh long ruột đỏ, mít Thái lá bàng, mãng cầu xiêm, đu đủ công nghệ cao, để đánh giá tổng kết nhân rộng phát triển đại trà, phục vụ nguyên liệu cho nhà máy Tanifood; hoàn thành Đề án Chuỗi giá trị nông nghiệp tỉnh Tây Ninh với 04 nhóm chính gồm: nhóm cây trồng truyền thống của tỉnh (lúa, mía, mì, cao su); nhóm cây ăn quả (mãng cầu, nhãn, bưởi, sầu riêng, thanh long, dứa,...); nhóm rau củ thực phẩm; nhóm chăn nuôi (bò, gà, heo) để tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các đơn vị chuyên ngành; Đã hướng dẫn đấu giá thuê quyền sử dụng đất, diện tích 13,2 ha tại xã An Cơ huyện Châu Thành, dự kiến tổ chức đấu giá trong tháng 9 năm 2018.
Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong tháng 9: Triển khai lập dự án hạ tầng vùng trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao tại các xã Lộc Ninh, Truông Mít, Phước Minh, Phước Ninh - huyện Dương Minh Châu, xã Bàu Đồn - huyện Gò Dầu, xã Mỏ Công, Tân Phong - huyện Tân Biên; Tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các đơn vị chuyên ngành về Đề án Chuỗi giá trị nông nghiệp tỉnh Tây Ninh; Phối hợp Công ty Cổ phần Lavifood triển khai chính sách vùng trồng cho nông dân, để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu; Tiếp tục thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ cho nông dân tham gia cánh đồng lớn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến kết luận, nhấn mạnh, để hoàn chỉnh chính sách phát triển nông nghiệp, cần nắm rõ diện tích chuẩn bị triển khai bao nhiêu, mỗi loại cây, giá thu mua thế nào; cần cập nhật quy định của pháp luật đến thời điểm này có liên quan đến các chính sách về nông nghiệp để tham mưu thực hiện chủ trương hỗ trợ cho nông dân đầu tư, phát triển nông nghiệp; cần tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần tính đến việc thực hiện phát triển nông nghiệp gắn với du lịch hiện đang thu hút du khách.
XV