Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình tổng thể đến các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nhiều kết quả đạt được đáng ghi nhận, tạo nền tảng trong xây dựng chính quyền điện tử tại Tây Ninh.
(Ảnh: Người dân liên hệ nộp hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh)
Cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 – những kết quả nổi bật
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 10 năm qua, công tác CCHC được cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Các cấp, các ngành luôn xem công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong quản lý, điều hành; công tác triển khai, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo chương trình, kế hoạch của Trung ương và địa phương luôn được đặt lên hàng đầu… Tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, điều hành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ về trong công tác CCHC, kiểm soát TTHC, tổ chức triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo và lấy hiệu quả công tác CCHC là thước đo, công cụ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC được tổ chức thường xuyên với nội dung đa dạng, phong phú, thông qua các kênh thông tin khác nhau, như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, băng rôn, tờ rơi, pano, áp phích... đã góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc chung tay thực hiện CCHC.
UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá trong tổ chức triển khai công tác CCHC gắn với điều kiện và tình hình thực tế địa phương. Điểm nổi bật trong CCHC giai đoạn 2011-2020 là việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công tỉnh, hướng đến xây dựng một nền hành chính tập trung, thống nhất, thông suốt, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả…Bên cạnh đó, là việc thí điểm nhiều mô hình như: Chuyển giao Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã sang Bưu điện cấp huyện, cấp xã; Chuyển giao toàn bộ nhóm TTHC liên quan về đất đai đang thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết tại Bộ phận Một cửa thuộc UBND thành phố Tây Ninh về thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; thí điểm triển khai thực hiện quy trình liên thông điện tử trong giải quyết TTHC giữa ngành Thuế và ngành Tài nguyên và Môi trường trong khâu tính thuế, xác định nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất; triển khai việc thu hộ phí, lệ phí thông qua hệ thống Bưu điện…đã có những giải pháp, sáng tạo, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Tỉnh đã hoàn thành việc công bố toàn bộ danh mục TTHC, quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC tại 03 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Các TTHC sau khi công bố đều được nhập dữ liệu và công khai đầy đủ lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng thông tin điện tử của tỉnh; niêm yết công khai tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.904 TTHC, trong đó: cấp tỉnh là 1.502 TTHC, cấp huyện là 260 TTHC, cấp xã là 142 TTHC.
Đối với công tác cải cách TTHC khi xác định chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ, theo kết quả công bố Chỉ số CCHC của tỉnh hàng năm thì Chỉ số thành phần về công tác cải cách TTHC từ năm 2011-2019 của Tây Ninh luôn được Bộ Nội vụ công bố và Văn phòng Chính phủ đánh giá cao (Tây Ninh luôn đạt trên 90% của điểm tối đa theo quy định) trong xác định Chỉ số CCHC. Ngoài ra, tính đến nay tỉnh đã trang bị 100% hệ thống Camera giám sát tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, 09/09 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và 94/94 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Theo đó, các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ được giám sát tập trung tại Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh nhằm giám sát toàn bộ quá trình hoạt động, thực hiện của Bộ phận Một cửa các cấp, đồng thời đây là cơ sở quan trọng giúp cho tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp, đặc biệt là công tác CCHC trong thời gian tới.
Hệ thống văn phòng điện tử đã được triển khai cho 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, 100% UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã. Các văn bản điện tử được trao đổi và xử lý trên môi trường mạng được liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện thực hiện nhanh chóng, thông tin chỉ đạo kịp thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đạt tỉ lệ 100% văn bản liên thông trên hệ thống văn phòng điện tử. Hệ thống đã kết nối với trục liên thông Quốc gia thực hiện gửi, nhận văn bản từ Văn phòng Chính phủ đến 03 cấp chính quyền của tỉnh Tây Ninh. Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng được triển khai cho 100% Sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã và được thực hiện ký số trên 07 loại văn bản quy định (Công văn, Báo cáo, Kế hoạch, Thông báo, Giấy mời, Lịch công tác, Văn bản sao gửi) để luân chuyển văn bản điện tử trên môi trường mạng đã góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí của các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, cả tỉnh đã thực hiện thành công, đúng tiến độ và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao cho trong việc thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30 của Chính phủ). Sau khi Đề án 30 kết thúc, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo nên công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện quyết liệt, liên tục được Thủ tướng Chính phủ biểu dương trong các năm 2011, 2012. Tỉnh đã thành lập và kiện toàn Bộ phận Một cửa các cấp theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Trong công tác CCHC, UBND tỉnh đã ban hành những văn bản phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình cụ thể của tỉnh trên cơ sở hệ thống pháp luật và những quy định của Trung ương; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC nhằm giải quyết tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp theo hướng nhanh gọn, thuận lợi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng thực hiện tốt công tác cải cách thể chế, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ và khả thi, ban hành các chính sách phù hợp, đúng chủ trương, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế để pháp luật đi vào cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách TTHC luôn được tỉnh chú trọng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã sử dụng mạng xã hội Zalo để tiếp nhận cho 53 TTHC (cấp tỉnh: 50, cấp huyện 01, cấp xã 02). Với cách thực hiện này, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng, truy cập vào Cổng Hành chính công tỉnh Tây Ninh trên mạng xã hội Zalo. Chọn chức năng quan tâm, tìm đến loại TTHC mà mình cần thực hiện. Dùng chức năng chụp ảnh chụp lại các thành phần hồ sơ bản chính của mình gửi đến cơ quan giải quyết TTHC. Khi có kết quả, hệ thống sẽ tự động nhắn tin trên mạng xã hội Zalo để cá nhân/tổ chức đến nhận kết quả hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính công ích cho người nhận theo địa chỉ đã khai báo trước đó. Người dân không phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ như trước đây nữa. Ngoài chức năng trên, thông qua Cổng Hành chính công tỉnh trên ứng dụng Zalo, người dân có thể tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ và gửi phản ánh, kiến nghị qua ứng dụng Zalo. Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng góp phần vào công tác CCHC của tỉnh.
(Ảnh: Các hình thức tuyên truyền thông qua băng rôn, tranh ảnh...tại Trung tâm HCC tỉnh)
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương đã làm tốt công tác cải cách TTHC, phục vụ doanh nghiệp ngày một tốt hơn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp nên hiện nay môi trường kinh doanh của tỉnh đã khởi sắc rõ nét (xếp hạng 15/63 tỉnh, thành năm 2019). Điều này, chứng tỏ các ngành, các cấp của tỉnh đã có sự thay đổi cố gắng cải thiện rõ nét điểm số của các tiêu chí thành phần trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). TTHC được công khai minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết gắn với quá trình hoạt động hiệu quả của Bộ phận Một cửa các cấp nhất là Trung tâm Hành chính công tỉnh.
UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, huyện, thị, thành phố triển khai quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch về CCHC hàng năm của tỉnh; việc thực hiện thi đua các cụm, khối thi đua, các cơ quan, địa phương, xây dựng quy chế thi đua khen thưởng, lấy tiêu chí hoàn thành các nhiệm vụ CCHC để đánh giá và bình xét. Đồng thời, hiện nay, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến đột phá quan trọng, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nâng cao tính công khai, minh bạch, chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đây là là yếu tố góp phần vào thành công chung trong công tác CCHC giai đoạn 2011-2020 của tỉnh, tạo tiền đề để Tây Ninh tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử đạt nhiều kết quả hơn trong thời gian tới.
Trần Thị Bé Nhi