Theo Đề án mục tiêu của đề án đưa ra là giảm chi phí, hạn chế việc gây phiền hà, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; nâng cao trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, góp phần xóa bỏ các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết các việc của người dân; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú, bảo hiểm xã hội, lao động, thương binh và xã hội. Đề án cũng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan địa phương khi triển khai, thực hiện đề án, cụ thể:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Trên cơ sở quy trình thực hiện liên thông các TTHC đã được chuẩn hóa tại Đề án và quy định pháp luật hiện hành có liên quan, các địa phương nghiên cứu, ban hành văn bản triển khai việc thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí tại địa phương mình bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, thời gian hoàn thành: Quý IV/2018; …bố trí kinh phí tổ chức thực hiện liên thông các TTHC nêu trên, từ nguồn ngân sách của địa phương chi cho việc thực hiện cải cách hành chính và các nguồn khác theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản pháp luật hiện hành; tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Ủy ban nhân dân cấp xã nhằm từng bước hiện đại hóa việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân.
Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội và Công an: Triển khai thực hiện liên thông TTHC thuộc lĩnh vực do mình quản lý ở địa phương; cung cấp các biểu mẫu phục vụ việc thực hiện liên thông TTHC.
Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Chủ trì phối hợp với Công an và Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết việc thực hiện Đề án tại địa phương; triển khai thực hiện việc nhận, chuyển hồ sơ theo phương thức điện tử, sử dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC liên thông tại địa phương khi có đủ điều kiện... Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc có trách nhiệm báo cáo về bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước và Văn phòng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ, bảo đảm triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án đúng tiến độ và có hiệu quả.
Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp huyện, Công an cấp xã, Bảo hiểm xã hội cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc triển khai thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí trên địa bàn…tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, xem xét, giải quyết, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện liên thông các TTHC nêu trên ở địa phương.
Ủy ban nhân dân cấp xã: Triển khai thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, phố biến trong nhân dân về việc thực hiện liên thông các TTHC; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các TTHC được thực hiện liên thông; bố trí người có đủ trình độ, năng lực thực hiện việc liên thông các TTHC; quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; Công khai quy trình liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí tại Ủy ban nhân dân cấp xã; thực hiện việc hỗ trợ cho cán bộ, công chức thực hiện liên thông các TTHC nêu trên theo quy định của pháp luật... Đồng thời, có thể huy động kinh phí từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Thành Chung