Phòng, chống sạt lở bờ sông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ tư - 25/11/2020 16:00 120 0
Ngày 24/11/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2923/KH-UBND về việc phòng, chống sạt lở bờ sông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, nhằm mục đích Phòng, chống sạt lở bờ sông (bao gồm bờ sông, suối, kênh, rạch) đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh là nhiệm vụ của các cấp, ngành, đặc biệt là của chính quyền địa phương. Phòng, chống sạt lở bờ sông được thực hiện đồng bộ, kết hợp giải pháp công trình, phi công trình, không làm tăng nguy cơ sạt lở, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng, tạo sinh kế cho người dân; khi xảy ra sạt lở phải tập trung ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Theo đó, các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở nhằm giảm nguy cơ sạt lở, rủi ro do sạt lở. Tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động khu vực ven sông có ảnh hưởng đến sạt lở (khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, hoạt động giao thông đường thủy, hoạt động khai thác nước ngầm, nước mặt...). Xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông; hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo, kịp thời cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực để phòng, chống sạt lở bờ sông.

Bên cạnh đó, đề ra các giải pháp như: rà soát, bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường quản lý các hoạt động tại khu vực ven sông có ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông, trong đó, tập trung quản lý lĩnh vực khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông; chủ động xử lý sạt lở bờ sông để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Điều tra cơ bản về sạt lở, dân cư và công trình hạ tầng ven sông, trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu về sạt lở, dân cư và công trình phòng, chống sạt lở, trong đó ưu tiên thực hiện tại những khu vực đang có diễn biến sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức về công tác phòng, chống sạt lở bờ sông; tổ chức cắm biển báo, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở, bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Nghiên cứu vật liệu mới thay thế vật liệu cát xây dựng sử dụng trong xây dựng, đề xuất các giải pháp thay thế vật liệu cát san lấp, tiến tới không sử dụng vật liệu cát để san lấp.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) Theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện bố trí chỗ ở, di dời, tái định cư vùng thiên tai giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng gắn với ổn định sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 15/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 20/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Nội dung chi tiết xem tại đây.

DM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây