Quy hoạch ngành Văn thư, Lưu trữ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Thứ tư - 16/12/2015 16:00 148 0
Nhằm quản lý thống nhất công tác văn thư, lưu trữ trên phạm vi toàn tỉnh; bảo vệ, bảo quản an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Ngày 15/12/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2895/QĐ-UBND nhằm phê duyệt “Quy hoạch ngành Văn thư, Lưu trữ tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

​Theo đó, về tổ chức bộ máy, thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy Chi cục Văn thư - Lưu trữ, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh; Thành lập đơn vị sự nghiệp là Trung tâm lưu trữ lịch sử trực thuộc Chi cục Văn thư - Lưu trữ theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh; tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả tài liệu bảo quản tại Kho Lưu trữ chuyên dụng và cung ứng các dịch vụ công liên quan đến hoạt động lưu trữ.

Về nhân lực ngành Văn thư, Lưu trữ tại địa phương, đối với cấp tỉnh, Chi cục Văn thư - Lưu trữ phải đảm bảo bố trí đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ và thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp về lưu trữ theo yêu cầu và phù hợp với Đề án vị trí việc làm của đơn vị đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; Các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh: Bố trí 01 biên chế chuyên trách làm công tác văn thư và 01 biên chế chuyên trách làm công tác lưu trữ. Riêng cơ quan, đơn vị có lượng hồ sơ, tài liệu phát sinh nhiều (Văn phòng UBND tỉnh), tùy theo yêu cầu thực tế và Đề án vị trí việc làm của đơn vị đã được phê duyệt, thì lập bộ phận chuyên trách có từ 05 đến 07 biên chế để thực hiện các nhiệm vụ này. Đối với cấp huyện, tại Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố bố trí 02 biên chế chuyên trách làm công tác văn thư và 02 biên chế chuyên trách làm công tác lưu trữ; Các phòng chuyên môn thuộc huyện, thành phố bố trí 01 biên chế làm công tác văn thư, lưu trữ; Kho Lưu trữ huyện bố trí không quá 03 biên chế sự nghiệp để quản lý hồ sơ, tài liệu tại Kho Lưu trữ huyện. Đối với cấp xã, nhiệm vụ này giao cho công chức Văn phòng - Thống kê của 95 xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ công tác văn thư, lưu trữ theo đúng quy định.

Về hệ thống cơ sở vật chất, ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn thư, lưu trữ theo hướng hiện đại hoá, bao gồm xây dựng Kho Lưu trữ và bổ sung trang thiết bị liên quan.

Ngoài ra, UBND tỉnh đề ra các chỉ tiêu hoạt động văn thư, lưu trữ thực hiện hồ sơ công việc đối với tài liệu truyền thống, thực hiện trên môi trường mạng, sử dụng chữ ký số đảm bảo yêu cầu bảo mật thông tin; sử dụng mạng nội bộ, hệ thống phần mềm phục vụ cho việc trao đổi, chia sẻ thông tin nội bộ và giải quyết công việc; thực hiện kho lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử tỉnh đúng quy định; Lưu trữ lịch sử số hóa.

Nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác văn thư, lưu trữ theo các chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện như đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ; Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác văn thư, lưu trữ trong quá trình phát triển bền vững của tỉnh; Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác văn thư, lưu trữ theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu phát triển của tỉnh; Tăng cường đầu tư kinh phí, đảm bảo cơ sở vật chất cần thiết theo yêu cầu quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ; quản lý tài liệu lưu trữ và thực hiện các nội dung quy hoạch ngành Văn thư, Lưu trữ; Thực hiện xã hội hóa các hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Gia Huy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây