Một vụ giông lốc làm hư hỏng mái nhà người dân.
Do đó, để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện/thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các huyện/thành phố chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2016 - 2020; có các phương án ứng phó với bão mạnh, rất mạnh; kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn, hạn hán,... Hằng năm rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án và xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện công tác PCTT và TKCN phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Song song đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường quản lý cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, chủ động rà soát, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai...; tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa nước, đập; chuẩn bị phương tiện, vật tư để ứng phó khi xảy ra sự cố nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai;...
Chỉ thị cũng nêu rõ, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời tình hình thiên tai để nhân dân chủ động ứng phó trước các tình huống bất thường, cực đoan. Ngoài ra, Chỉ thị của UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng, sở ngành có liên quan và UBND huyện/thành phố.
Theo số liệu của UBND tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015 đã xảy ra hiện tượng: sét, lốc, mưa lớn cùng với nước từ Campuchia đổ về gây thiệt hại về ngườn, sản xuất, tài sản của nhà nước và nhân dân. Cụ thể, 19 người chết, 24 người bị thương, thiệt hại 5.280 căn nhà; sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại hơn 29.600 ha... giá trị thiệt hại hơn 170 tỷ đồng.
Vũ Hải