Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh

Thứ tư - 18/09/2019 13:00 91 0
Thời gian qua các ngành, các cấp có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục chấn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý khai thác khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời khắc phục hạn chế, bất cập của quy hoạch kỳ trước, làm cơ sở quản lý, lập kế hoạch thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên trên địa bàn một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách hài hòa. Ngày 13/9/2019, UBND tỉnh ban hành công văn số 1984/UBND-KTTC yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố liên quan thực hiện một số nội dung sau:

Sở Xây dựng căn cứ vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã được phê duyệt, trên cơ sở đánh giá nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường của địa phương, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch khai thác khoáng sản hàng năm cho sát hợp với nhu cầu thực tế làm cơ sở cấp phép thăm dò, khai thác, cũng như đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát sau cấp phép khai thác, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về khoáng sản (đảm bảo hồ sơ, thủ tục tại các điểm mỏ; việc khai thác, vận chuyển khoáng sản; công tác kiểm đếm trữ lượng, độ sâu; việc thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo đề án được duyệt; việc chuyển nhượng quyền khai thác; công tác đóng cửa mỏ; việc tận dụng đất dôi dư…). Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn.

Tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản khu vực hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có liên quan trong quản lý khoáng sản khu vực hồ Dầu Tiếng, xử lý nghiêm minh việc khai thác cát trái phép trong vùng giáp ranh khu vực Hồ. Có giải pháp sử dụng hiệu quả các trạm cân, camera đã lắp đặt và thường xuyên kiểm tra các tàu thuyền được thu gom tại bãi tập kết.

Đối với các dự án có đào hầm xử lý nước thải: Lượng đất đào lên phải được sử dụng cho dự án; lượng đất dôi dư sau khi thực hiện xong dự án phải được tập kết tại chổ (khi kết thúc dự án có nguồn đất hoàn lại vị trí đã đào); trường hợp có nhu cầu vận chuyển đất dôi dư ra ngoài dự án làm vật liệu san lấp hoặc làm nguồn nguyên liệu khác thì phải được các ngành liên quan khảo sát, kiểm tra, thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét.

Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát sau cấp phép khai thác, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về khoáng sản (đảm bảo hồ sơ, thủ tục tại các điểm mỏ; việc khai thác, vận chuyển khoáng sản; công tác kiểm đếm trữ lượng, độ sâu; việc thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo đề án được duyệt; việc chuyển nhượng quyền khai thác; công tác đóng cửa mỏ; việc tận dụng đất dôi dư;…). Tăng cường công tác kiểm tra quản lý nhà nước về giá cả vật liệu xây dựng thông thường, nhất là cát xây dựng, không để biến động lớn về giá, ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và dân sinh.

Sở Giao thông Vận tải chủ động rà soát lại các quy định có liên quan về lĩnh vực giao thông như: Quy hoạch giao thông, rà soát các quy định về chiều cao của mặt nền đường khi thực hiện nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông, các bến thủy nội địa… Kiểm soát, giám sát hành trình các tàu thuyền hoạt động trong hồ Dầu Tiếng; kiểm soát các phương tiện xe tải trọng lớn vận chuyển cát qua lại bờ đập, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn bờ Hồ.

Công an tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn; kiên quyết đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản, môi trường... nhất là các biểu hiện về “lợi ích nhóm”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với tổ chức, cá nhân để trục lợi, tiêu cực tham nhũng từ hoạt động khoáng sản.

UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát sau cấp phép khai thác, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về khoáng sản (đảm bảo hồ sơ, thủ tục tại các điểm mỏ; việc khai thác, vận chuyển khoáng sản; công tác kiểm đếm trữ lượng, độ sâu; việc thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo đề án được duyệt; việc chuyển nhượng quyền khai thác; công tác đóng cửa mỏ; việc tận dụng đất dôi dư…).

Rà soát lại toàn bộ các mỏ đã ngừng khai thác giai đoạn trước, các khu vực có hầm hố sâu dạng da beo do khai thác từ rất lâu, sớm có biện pháp cải tạo phục hồi môi trường (lặp hàng rào chắn bảo vệ, đặt biển báo nguy hiểm,…) nhằm bảo đảm an toàn cho khu vực. Đối với những mỏ khai thác gần hết trữ lượng hoặc đang trong thời gian thực hiện đề án đóng cửa mỏ phải kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tận thu khoáng sản trái quy định.

 Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa với trách nhiệm là chủ hồ, tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trong khu vực quản lý. Chủ động phối hợp chặt chẽ, kịp thời hơn trong công tác kiểm tra giám sát hoạt động khai thác khoáng sản cát, các hoạt động liên quan đến hành lang bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định pháp luật.

Hà Thu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây