Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 10 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bàn quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và 21 Nghị quyết.
Đồng thời, trên cơ sở các văn bản mới ban hành được nêu trên, đề nghị các đơn vị chủ động tổ chức phổ biến, thông tin về các nội dung có liên quan bằng hình thức linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn bảo đảm thiết thực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó: Tổ chức triển khai Kết luận số 69-KL/TW, ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư và các văn bản pháp luật có liên quan, tập trung thông tin, phổ biến về vị trí, vai trò, trách nhiệm xã hội của luật sư và hành nghề luật sư trong tình hình hiện nay.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật gắn với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật có liên quan, trọng tâm là Luật Người khuyết tật và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thừa phát lại bảo đảm kịp thời, thống nhất và hiệu quả các quy định này.
Đối với các văn bản luật liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đề nghị các đơn vị tổ chức thực hiện cập nhật và đăng tải toàn văn nội dung văn bản luật trên Cổng thông tin điện tử của sở, ban, ngành và các hình thức phù hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu. Hướng dẫn, xác định nội dung, tổ chức phổ biến pháp luật bằng những hình thức phù hợp; kịp thời quán triệt bằng các hình thức phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp được giao nhiệm vụ triển khai thi hành văn bản luật và đội ngũ Báo cáo viên pháp luật của sở, ngành để tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Biên soạn, đăng tải, phát hành rộng rãi tài liệu giới thiệu, phổ biến nội dung, tinh thần văn bản; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị, cơ quan thông tin, truyền thông quán triệt, phổ biến rộng rãi văn bản; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin; hỏi đáp pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; tổ chức các chương trình đối thoại chính sách pháp luật; phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở…; bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất) thực hiện phổ biến văn bản luật theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Sở Tư pháp trong chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường, cơ sở giáo dục trực thuộc rà soát, chỉnh lý nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học pháp luật trong các nhà trường đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật mới.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến về nội dung cơ bản, nhất là những điểm mới trong các văn bản luật. Tăng cường thời lượng, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên các văn bản luật mới trên chuyên trang, chuyên mục của báo, đài để mọi người cùng biết và thực hiện.
Nội dung chi tiết xem tại đây.
DM