Theo đó, ngay sau khi có Pháp lệnh Dân số và các văn bản pháp luật liên quan, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền để chỉ đạo, cụ thể hóa một số chính sách, chế độ, biện pháp phù hợp với địa phương để triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số và các văn bản pháp luật liên quan. Năm 2013, UBND tỉnh đã tổ chức tổng kết 10 năm tình hình thi hành Pháp lệnh Dân số trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế và bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai Pháp lệnh Dân số để thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số thời gian tới trên địa bàn tỉnh.Sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số, từ năm 2013 đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện Pháp lệnh.
Song song với việc ban hành các văn bản thực hiện Pháp lệnh, công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung Pháp lệnh được duy trì thực hiện thường xuyên, thông qua sự kết hợp đồng bộ giữa truyền thông, vận động trong cộng đồng của ngành chức năng, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức và tạo được dư luận xã hội rộng rãi ủng hộ và thực hiện Pháp lệnh Dân số. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Pháp lệnh và các hoạt động công tác dân số đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng, góp phần thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh. Từ năm 2013 đến nay quy mô dân số của tỉnh luôn ổn định, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người dân có bước cải thiện, tuổi thọ trung bình đạt 74,5 tuổi. Thu nhập bình quân đầu người 2.500 USD. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đã đạt 70% năm 2017, góp phần quan trọng vào việc giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số. Từ năm 2013 đến nay quy mô dân số của tỉnh luôn ổn định, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên luôn duy trì trong khoảng 0,7-0,8%. Tổng tỷ suất sinh luôn duy trì trong khoảng 1,76-1,78 con.
Tỷ số giới tính khi sinh năm 2013 từ 111,83 bé trai/100 bé gái giảm còn 111,03 bé trai/100 bé gái năm 2017. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh hàng năm đạt gần 30%, đã phát hiện 43 trường hợp thai nhi bất thường, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh hàng năm đạt từ 20-30%, phát hiện 150 ca dương tính, các trường hợp phát hiện bệnh đều được tư vấn, điều trị kịp thời; Tỷ lệ khám sức khỏe tiền hôn nhân đạt 3% ; Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ trên 14%. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt trên 30% so với dân số; 100% trường học đảm bảo công tác giáo dục thể chất có nền nếp.
Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh còn ở mức cao, 111,03 bé trai/100 bé gái, đã cao hơn mức cân bằng tự nhiên 103-107 bé trai/100 bé gái, cơ cấu dân số đang chuyển dần sang cơ cấu dân số già. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đang có chiều hướng gia tăng trong đảng viên, công chức, viên chức năm 2013 có 5 trường hợp sinh con thứ 3, năm 2017 có 12 trường hợp sinh con thứ 3; Chất lượng dân số chưa được chú trọng đúng mức; Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em có giảm, nhưng chậm (tính theo chiều cao/tuổi từ 28,6% còn 22,5% năm 2016), trẻ em béo phì có chiều hướng tăng. Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa được quan tâm thường xuyên; tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên ngày càng nhiều đang là thách thức đối với công tác dân số của địa phương.
Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tính chất quan trọng, những khó khăn, phức tạp, mang tính lâu dài và bền vững của công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình trong phát triển kinh tế-xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt và chưa thường xuyên. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình còn ít, chưa tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác truyền thông, giáo dục về dân số-kế hoạch hóa gia đình trong một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, truyền thông đại chúng chưa nhiều, nội dung truyền thông, tư vấn cung cấp các dịch vụ chậm đổi mới, chủ yếu tập trung vào kế hoạch hóa gia đình. Kiến thức và kỹ năng sống của vị thành niên và thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình còn hạn chế.
Trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vẫn còn nặng về kế hoạch hóa gia đình, chưa chú trọng các mặt cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và tác động qua lại với phát triển. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình ở cấp cơ sở còn thấp. Tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên.
Trên cơ sở kết quả đạt được và những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số và các văn bản pháp luật liên quan, UBND tỉnh cũng kiến nghị Dự án Luật Dân số cần nghiên cứu, soạn thảo theo hướng kế thừa các quy định hợp lý còn phù hợp của Pháp lệnh Dân số hiện hành và các văn bản pháp luật sửa đổi bổ sung; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những quy định còn thiếu, những vấn đề mới nảy sinh và có khả năng phổ biến trong tương lai và giải quyết được những vấn đề cơ bản của vấn đề dân số trong tình hình mới. Nâng cao một bước hiệu lực, hiệu quả nhằm quản lý toàn diện về vấn đề dân số. Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, tính kế thừa các quy định pháp luật từ trước đến nay về Dân số, bám sát và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về Dân số và của tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung cũng như các cam kết quốc tế.
KGVX