Tập trung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 04/05/2021 15:00 153 0
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 10/2020 đến ngày 18/4/2021, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra 1.124 ổ dịch, tại 1.097 xã, 170 huyện của 25 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 28.725 con, trong đó có 2.432 con chết và tiêu hủy. Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 1.020 xã, 158 huyện của 25 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 27.247 con, trong đó số chết và tiêu hủy là 2.220 con. Dịch bệnh hiện đang xảy ra nặng nhất ở các tỉnh: Hà Tĩnh (180 xã, 13 huyện, số gia súc mắc bệnh là 12.480 con), Thanh Hóa (209 xã, 24 huyện, số gia súc mắc bệnh là 3.919 con), Quảng Bình (94 xã, 8 huyện, số gia súc mắc bệnh là 4.076 con). Hiện nay, cả nước có 886 ổ dịch tại 131 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. Riêng trên địa bàn tỉnh, từ trước đến nay không xảy ra dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò.

Nguy cơ dịch bệnh Viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do: Thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển (ruồi, muỗi, ve, mòng,...); một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; chưa có kế hoạch, chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục thấp, trong khi cần tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc xin mới có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh có hiệu quả.

Nhằm khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, phát sinh, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh Ngày 04/5/2021. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nội dung sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác giám sát đàn vật nuôi, trường hợp phát hiện gia súc nghi mắc bệnh Viêm da nổi cục, chủ động lấy mẫu gửi đến phòng thử nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI để xét nghiệm.

Tổ chức tiêm phòng miễn phí (100% chi phí mua vắc xin và tiền công tiêm phòng) vắc xin phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục bằng vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Mevac LSD của Ai Cập cho đàn bò sữa chăn nuôi nông hộ (dưới 10 đơn vị vật nuôi), đàn trâu, bò chăn nuôi nông hộ có nguy cơ cao như: tại khu vực biên giới; trâu, bò do các thương lái mua từ nơi khác để làm giống, vỗ béo, giết mỗ, đồng thời dự phòng 4.000 liều vắc xin để xử lý khi có ổ dịch xảy ra. Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021 được phân bổ cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Vận động, khuyến cáo Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bò sữa Việt Nam – Trang trại bò sữa Tây Ninh và các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trâu, bò căn cứ vào tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục, đánh giá nguy cơ và điều kiện thực tế để quyết định sử dụng vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục.

Tổ chức tiêu độc sát trùng để phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục và các biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng, … truyền bệnh. Trường hợp có bệnh Viêm da nổi cục tại các tỉnh, thành phố khác có phạm vi bán kính cách ranh giới tỉnh 100km (kể cả Vương quốc Campuchia) thì tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục cho toàn đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở ra, vào địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, vận động cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, sản phẩm gia súc nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chủ động phòng chống dịch, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng…tại các khu vực chăn nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh tại các đường mòn, lối mở.

Hoàng Tuân


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây