Bộ phận một cửa tại UBND thành phố Tây Ninh (ảnh Phương Ngân).
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quyết định cá biệt quy định nhiệm vụ CCHC đối với các ngành, các cấp, phân công cụ thể thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) ngày càng tốt hơn. Qua 03 năm (2012, 2013, 2014) triển khai thực hiện xác định chỉ số CCHC, chỉ số CCHC của Tây Ninh được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố đạt kết quả khá. Nổi bật trong năm 2014, Chỉ số CCHC của Tây Ninh xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố (tăng 13 bậc so với năm 2013). Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI). Đến năm 2015, 12 mục tiêu cụ thể của Chương trình CCHC được thực hiện đạt hoặc vượt.
Công tác ban hành văn bản QPPL theo thẩm quyền đã cụ thể hóa các quy định của Trung ương vào điều kiện thực tế của địa phương. Giai đoạn 2011-2015, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 412 văn bản QPPL, trong đó: 121 Nghị quyết của HĐND tỉnh; 291 Quyết định QPPL của UBND tỉnh. Chất lượng xây dựng, hiệu lực, hiệu quả của văn bản QPPL ngày càng được nâng lên; nhất là các văn bản trong thu hút đầu tư, xây dựng khu công nghiệp, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các thành phần kinh tế, phân cấp cho các ngành, các cấp,... đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cải cách TTHC gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, cơ chế một cửa hiện đại được xác định là trọng tâm của CCHC, là một trong các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh được tập trung thực hiện thường xuyên. Hàng năm, Kế hoạch kiểm soát TTHC, Kế hoạch rà soát TTHC được triển khai, tổ chức thực hiện. TTHC được công khai, minh bạch tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của sở, ngành, UBND cấp huyện đã tạo thuận lợi cho người dân khi giải quyết TTHC. Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, một số TTHC ở các lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, xuất nhập khẩu, hải quan, đất đai, xây dựng được rút ngắn trên 1/3 thời gian giải quyết so với thời gian quy định năm 2012.
Công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân bảo đảm đúng quy định; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp được kiện toàn; trang thiết bị được bổ sung, hoàn thiện hơn. Trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của cán bộ, công chức được nâng lên; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong giải quyết TTHC được thực hiện ngày càng tốt hơn. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 95% tổng số hồ sơ được tiếp nhận, giảm đáng kể tình trạng hồ sơ trễ hạn và tồn đọng so với những năm đầu của giai đoạn 2011 - 2015.
Công tác tổ chức bộ máy tiếp tục được đẩy mạnh. Rà soát, kiện toàn, khắc phục sự trùng lắp, bỏ trống, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Các đơn vị sự nghiệp công lập được rà soát, sắp xếp để tinh gọn, tăng hiệu quả trong hoạt động. Cải cách chế độ công vụ, công chức được đẩy mạnh. Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức được xây dựng và tổ chức thực hiện. Công tác tuyển dụng công chức qua thi tuyển, không qua thi tuyển; tuyển dụng viên chức đảm bảo đúng quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thiết thực; số lượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo sau đại học ngày càng tăng; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện hơn nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước đạt chuẩn, trên chuẩn quy định.
Công tác cải cách tài chính công đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần tiết kiệm kinh phí quản lý hành chính nhà nước, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước được tăng cường, từng bước nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại. Các hệ thống thông tin dùng chung, hệ thống thông tin chuyên ngành được triển khai góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn như: hệ thống một cửa điện tử; chuyên mục "Hỏi đáp trực tuyến" trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; phần mềm họp không giấy; phần mềm quản lý hộ tịch; phần mềm giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan hành chính các cấp đối với công tác cải cách hành chính được nâng lên. Trách nhiệm và giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính được xác định rõ hơn. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong chỉ đạo, xử lý vướng mắc, giải quyết TTHC nhất là TTHC về đất đai cho người dân ngày càng tốt hơn. Công tác kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác CCHC giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Công tác ban hành văn bản QPPL từng lúc, từng nơi vẫn còn hạn chế. Một số văn bản QPPL chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành vẫn còn sai sót nhất là về thẩm quyền, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản. Thời gian giải quyết một số TTHC có tính liên thông còn kéo dài nhất là thủ tục liên quan đến đầu tư, các ngành, các cấp chậm có ý kiến phản hồi, ý kiến phản hồi chưa đúng theo yêu cầu của cơ quan chủ trì. Thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở một số bệnh viện vẫn chưa được đa số người dân hài lòng. Chính sách thu hút nhân tài; đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho sinh viên tỉnh Tây Ninh đạt kết quả chưa cao. Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước được tích cực triển khai đồng bộ, tuy nhiên tại một số cơ quan, địa phương triển khai các ứng dụng còn chậm. Việc khai thác vận hành các hệ thống thông tin tại một số cơ quan, địa phương chưa được quan tâm nhiều nên hiệu quả ứng dụng chưa cao.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng "một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả"; "một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả", trong giai đoạn 2016-2020 , Tây Ninh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ TTHC; Rà soát kiểm tra việc thực hiện văn bản pháp luật, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị Trung ương sửa đổi. Cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Rà soát, đơn giản thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, thuế, hải quan. Công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp. Mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80% vào năm 2020.
Kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện để thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập để tiến tới thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động. Đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.
Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ. công chức. Sắp xếp, bố trí sử dụng công chức, viên chức theo trình độ đào tạo, năng lực, phù hợp với vị trí việc làm. Nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức; tuyển dụng theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp giám đốc sở và tương đương trở xuống. Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan nhà nước. Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân; 100% các cơ quan nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chuẩn hóa chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế; nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh, có lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước để đến năm 2020: Hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử hành chính của tỉnh, sở, ngành, huyện ở mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều phương tiện khác nhau.
Minh Đài