Nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngày 08/6/2021, UBND tỉnh ban hành công văn 1795/UBND-KT đề nghị các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh thực hiện các nhiệm vụ sau:
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai ở địa phương theo 04 tài liệu hướng dẫn đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng gồm: (01) Hướng dẫn nhà an toàn, phòng, chống bão lũ; (02) Hướng dẫn phân loại nhà an toàn; (03) Khuyến cáo lắp đặt bồn nước cho nhà và công trình; (04) Quy trình kiểm định các công trình an ten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh truyền hình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình hồ, đập thủy lợi nhằm kịp thời phát hiện các hư hỏng và chủ động sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn công trình; kiểm tra quy trình vận hành hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa bão năm 2020 và các nhiệm vụ khác được phân công tại Kế hoạch số 836/KH-UBND ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021.
Sở Giao thông Vận tải tổ chức tuần tra, kiểm soát các vị trí xung yếu, khắc phục, sửa chữa kịp thời công trình cầu, đường thuộc hệ thống đường tỉnh quản lý có nguy cơ xảy ra ngập, hư hỏng để lập phương án xử lý kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt; chỉ đạo các đơn vị thi công dự án triển khai các biện pháp rào, chắn đảm bảo an toàn cho hoạt động giao thông và các nhiệm vụ khác được phân công tại Kế hoạch số 836/KH-UBND của UBND tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu các tổ chức, cá nhân là chủ quản lý, sử dụng các công trình dạng tháp, trụ BTS: Chủ động kiểm tra, đánh giá và có biện pháp gia cố đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão; tháo dỡ các thiết bị, bộ phận treo trên cao không đảm bảo an toàn khi có mưa bão và có kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng đến nơi an toàn khi cần thiết.
UBND các huyện, thành phố, thị xã và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức rà soát quy hoạch đô thị, khu dân cư trước ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét. Xác định mức độ ảnh hưởng với các tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn, lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân; xác định những khu vực có khả năng ngập lụt, các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa… để cảnh báo ngay cho Nhân dân khi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét; có kế hoạch từng bước di dời dân cư đến khu vực an toàn theo quy hoạch.
Tổ chức rà soát các quy hoạch thoát nước và kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc phân vùng, thoát lũ, đảm bảo chống ngập úng đô thị; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị như hào kỹ thuật, tuy-nen, trạm biến áp, cột điện…; chặt tỉa cây xanh nhằm đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng trong đô thị, cụ thể như sau: Tổ chức rà soát cập nhật điều chỉnh nội dung quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt, thoát nước bẩn trong đồ án quy hoạch chung các thị trấn phù hợp theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra tại Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 về phê duyệt điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ và yêu cầu người dân thực hiện gia cố, giằng chống, đặc biệt đối với các nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão đối với công trình có sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo trên cao.