Thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC sẽ giảm chi phí, phiền hà cho nhân dân

Thứ ba - 15/08/2017 15:00 58 0
Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính, thời gian vừa qua, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh luôn chú trọng công tác cải cách, kiểm soát TTHC, tập trung đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nêu cao ý thức phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân cũng như doanh nghiệp khi đến giao dịch...

​Xây dựng nền hành chính phục vụ, tôn trọng và bảo vệ các quyền công dân, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển thông qua hệ thống thể chế có chất lượng cao là một trong những yêu cầu đang đề ra hiện nay của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

cchc_rasoat.jpg

Công chức bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của TP Tây Ninh giải quyết hồ sơ cho người dân.

Trong bối cảnh đó, cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính luôn được Chính phủ xác định là khâu đột phá, một chương trình lớn cần được quan tâm thực hiện lâu dài với mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo các nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, muốn cải cách thủ tục hành chính một cách hiệu quả và thiết thực nhất thì hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính đóng một vai trò hết sức quan trọng, quyết định mọi công việc cải cách và công tác này được xem là nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện hơn nữa trong thời gian tới.

Tại tỉnh Tây Ninh, từ khi Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính được ban hành, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định: thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước đã được thống kê, rà soát, đơn giản hóa và đã công bố, công khai, niêm yết cơ bản theo đúng quy định; công tác đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm định dự thảo VBQPPL có quy định về thủ tục hành chính ngày càng được quan tâm; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện kiểm soát TTHC tại các cơ quan hành chính đã cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật góp phần tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương.

Có thể nhận thấy rất rõ, việc kiểm soát TTHC để nâng cao chất lượng hệ thống các quy định hành chính không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC mà đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống hành chính, từ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có các quy định TTHC cho tới các bộ phận trực tiếp thực hiện TTHC; từ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các đối tượng tham gia vào hoạt động giải quyết TTHC.

Thực tế đã chỉ ra rằng, nếu không làm tốt công tác giám sát, kiểm soát TTHC thì các hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính đôi khi chỉ mang tính hình thức. Sẽ có nhiều thủ tục được “cải cách” trên giấy tờ, không có tính thực thi trong thực tế. Do vậy, để bảo đảm tính khả thi của cải cách TTHC thì bước đầu tiên của quy trình kiểm soát chính là việc tổ chức đánh giá tác động, rà soát, tính toàn chi phí tuẩn thủ của quy định TTHC. Việc làm này có ý nghĩa thiết thực trong việc tăng cường “trách nhiệm giải trình” trước Nhân dân của các cơ quan soạn thảo về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả của quy định thủ tục hành chính dự kiến ban hành và đã ban hành triển khai thực hiện. Đây là một việc làm cần thiết vì việc làm trên sẽ giúp cắt giảm hàng ngàn, hàng vạn chi phí không cần thiết của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện TTHC sau này, nhưng đây cũng là một việc làm khó, đòi hỏi các cán bộ, cơ quan, đơn vị soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đầu tư thời gian, công sức để đưa ra các phương án tối ưu.

Song song với việc làm trên nếu thực hiện kiểm soát TTHC có hiệu quả sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức nhưng đồng thời không để sơ hở trong công tác quản lý nhà nước. Khi thực hiện các TTHC với cơ quan hành chính, người dân có quyền được biết, được hướng dẫn đầy đủ để thực hiện TTHC và từ chối thực hiện những TTHC do các cơ quan hành chính và cán bộ, công chức tự đặt ra. Việc này sẽ hạn chế và dần đi đến chấm dứt các hành vi nhũng nhiễu, hành dân của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp hiện nay. Thực tế đã phát sinh rất nhiều trường hợp, cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC đã lợi dụng sự mập mờ, bất cập của pháp luật để tự ý đặt ra các loại thủ tục, hồ sơ, giấy tờ nhằm gây khó khăn, sách nhiễu với người dân. Nhiều trường hợp đã bị xem xét, xử lý kỷ luật. Chính vì vậy, công khai TTHC là một yêu cầu không thể thiếu trong kiểm soát TTHC. Thông qua việc kiểm soát TTHC, mọi TTHC sẽ được công khai hóa và thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng tùy tiện, thiếu công khai, minh bạch trong việc ban hành và thực hiện TTHC tại nhiều cơ quan hành chính như thời gian qua.

Như vậy, có thể khẳng định kiểm soát thủ tục hành chính là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cải cách thủ tục hành chính một cách có hiệu quả nhất thông qua việc rà soát các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, đang gây khó khăn trong áp dụng thực tế. Đó là một quy trình chặt chẽ, gồm nhiều tác vụ mang tính chuyên môn, nghiệp vụ cao, từ khâu soạn thảo các VBQPPL quy định thủ tục hành chính, đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm định quy định thủ tục hành chính cho đến việc công bố, công khai thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý các phản ánh kiến nghị của tổ chức, công dân về quy định thủ tục hành chính để kịp thời có những điều chỉnh nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của thủ tục hành chính.

TC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây