Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh

Thứ hai - 21/01/2019 17:00 267 0
Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong nước thời gian qua có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng và xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là bệnh lỡ mồm long móng và cúm gia cầm.

Theo thông tin từ Cục Thú y, ngày 03/01/2019, cả nước: có 01 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (đã qua 16 ngày không có gia cầm mắc mới) và 01 ổ dịch cúm A/H5N1 tại xã Tân Tiến, huyện Krông Păc, tỉnh Đắk Lắk (đã qua 15 ngày không có gia cầm mắc mới); có 24 ổ dịch LMLM xảy ra tại 06 tỉnh, thành phố: Hà Nội (04 ổ dịch), Hòa Bình (02 ổ dịch), Bắc Ninh (09), Hà Nam (02 ổ dịch), Hà Tĩnh (06 ổ dịch), Yên Bái (01 ổ dịch) chưa qua 21 ngày.

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, tác động tiêu cực đến sức khỏe đàn vật nuôi, tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán; kết hợp với việc người chăn nuôi tăng đàn vật nuôi; các hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng cuối năm gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan trong dịp Tết Nguyên đán là rất cao.

Để khẩn trương tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thực hiện Chỉ thị số 9747/CT-BNN-TY ngày 14/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân. Ngày 17/01/2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 114/UBND-KTN yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân, bảo đảm an toàn dịch bệnh, cụ thể như sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhanh chóng xây dựng và triển khai các Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (lở mồm long móng, bệnh dại, cúm gia cầm, heo tai xanh, tụ huyết trùng trâu bò, thủy sản) từ nguồn kinh phí năm 2019 đã được phân bổ; Tăng cường công tác quản lý kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh; Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y, cũng cố hoạt động công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; chỉ đạo hệ thống chăn nuôi, thú y phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức giám sát dịch bệnh, chủ động phát hiện, báo cáo, xử lý kịp thời ổ dịch bệnh động vật phát sinh; Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở trong trường hợp tự lấy mẫu gia súc, gia cầm bị bệnh, nghi bị bệnh thì cần gửi đến phòng thử nghiệm có thẩm quyền để xét nghiệm, đồng thời cần báo cho chính quyền và cơ quan thú y theo quy định; Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh động vật, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Sở Thông tin truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Tây Ninh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

 Các sở, ngành có liên quan: Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải,  Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Hải quan căn cứ nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

UBND các huyện, thành phố Tây Ninh khuyến cáo các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng bệnh là chính; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, đẩy mạnh việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh; rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, bệnh dại và bệnh heo tai xanh.

NN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây