Triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 (Thông báo số 313/TB-VPCP)

Thứ hai - 31/08/2020 17:00 79 0
Thực hiện Thông báo số 313/TB-VPCP ngày 29 tháng 8 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, ngày 31 tháng 8 năm 2020 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 2070/UBND-VHXH yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, không được chủ quan trong nhận thức và hành động, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn được giao, chủ động, linh hoạt quyết định các vấn đề đặt ra trong thực hiện mục tiêu kép trên địa bàn.

Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và sẽ tiếp tục có các ca mắc trong cộng đồng. Các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.

Tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái "bình thường mới" như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Trường hợp xuất hiện ca mắc bệnh, các quy trình phòng chống dịch phải được kích hoạt ngay để thần tốc, quyết liệt khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh, không để lây lan rộng ra cộng đồng; mặt khác có phương án duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn, chủ động hơn, quyết liệt hơn, linh hoạt quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch  trên địa bàn. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò tham mưu của ngành Y tế các cấp trong xác định, quyết định biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm phù hợp với mức nguy cơ dịch bệnh.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu: vũ trường, quán bar, karaoke, cơ sở mát-xa hoạt động trở lại bình thường.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, tại cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, nhất là nơi có lượng lao động lớn.

Hướng dẫn an toàn trong bệnh viện, trong trường học, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng…với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để các cấp, các ngành, địa phương và mọi người dân có thể dễ dàng thực hiện.

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch trong các cơ sở y tế; tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị hợp lý ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện; xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm trong số các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng.

Giải quyết ngay các vướng mắc về mua sắm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch. Triển khai sử dụng hiệu quả các máy thở được tài trợ.

Đối với các trường hợp nhập cảnh phải có phương án cụ thể bảo đảm an toàn kể cả phương án cách ly phù hợp đối với từng đối tượng nhập cảnh.

Phối hợp các đơn vị liên quan phải bố trí các cơ sở cách ly đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh, không phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam: Mở rộng thực hiện việc cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí. Giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Từ ngày 01 tháng 9 năm 2020 thu phí đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly. Chi phí khám chữa bệnh tiếp tục do ngân sách nhà nước chi trả theo Khoản 2 Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh: Tiếp tục phát huy hiệu quả thông tin, truyền thông, tuyên truyền đúng mức, để người dân luôn đề phòng dịch bệnh nhưng không hoang mang. Chú trọng thông tin về kiến thức cơ bản phòng dịch, về các biện pháp nâng cao dinh dưỡng, các bài học về phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch, điều trị; những kiến thức cơ bản về y tế dự phòng. Tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ việc cài đặt ứng dụng Bluezone phục vụ truy vết nhanh các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh. Các hình thức thông tin phải phong phú, đa dạng, như phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh thông minh. Đánh giá hiệu quả của các đường dây nóng phòng, chống dịch thời gian qua, đề xuất nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các đường dây nóng để người dân biết, sử dụng.

  Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã biên giới: Phối hợp quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh tại khu vực biên giới; không để nhập cảnh trái phép, nhập cảnh không đúng đối tượng.

  Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, khởi tố theo đúng pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, các cá nhân, tổ chức, đường dây, các cơ sở lưu trú đưa người hoặc tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

  Về hỗ trợ an sinh xã hội: Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính chủ động các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng trợ giúp xã hội bị ảnh hưởng vì dịch bệnh COVID-19.

  Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh nâng cao trách hiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo việc thực hiện ở địa phương, đơn vị, địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời báo cáo đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Huyền Trinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây