Triển khai thực hiện Nghị quyết số 161/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Thứ sáu - 08/01/2021 15:00 80 0
Nhằm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 161/NQ-CP ngày 29/10/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Ngày 06/01/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 10/UBND-KTTC đề nghị các Sở và các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước triển khai thực hiện các nội dung sau:

Sở Tài chính phối hợp các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý nhà, đất, trên cơ sở đó tổng hợp, lập phương án báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung; rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất bảo đảm thực hiện đúng chế độ quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh (chủ sở hữu nhà nước) chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa: Thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; Rà soát, phân loại, đánh giá nguyên nhân doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, chủ động tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa; đôn đốc nhắc nhở và đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn việc thực hiện các nội dung trên.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý trong việc kiểm tra hiện trạng nhà, đất; phối hợp với các Sở, ngành có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn để bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án xử lý.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Nội vụ, Lao động Thương binh & Xã hội, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển bền vững, đồng bộ; Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, tạo cơ sở phát triển mô hình tổ chức lãnh thổ, tổ chức sản xuất kinh doanh mới; hình thành các cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên thông. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển; Phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy; Xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới và chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào bền vững, tự chủ; Phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; Hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh; Khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới.

Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước trong công tác thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp tục phát huy vai trò, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong việc định hướng, chỉ đạo quán triệt đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước đến việc tổ chức thực hiện, giám sát, quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước, công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đảm bảo yêu cầu chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó, xây dựng các giải pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, đề xuất, kiến nghị cụ thể giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc. Quan tâm đối với người lao động, sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập ổn định, chăm lo đời sống cho người lao động. Trường hợp bất khả kháng phải cắt giảm tạm thời số lượng lao động, cần có chế độ, chính sách hỗ trợ, trợ cấp phù hợp theo Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

HN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây