Bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Thứ hai - 29/01/2024 14:34 2.148 0
Nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động, linh hoạt nắm bắt thông tin thị trường sát sao, chú trọng tập trung triển khai các nhiệm vụ sau:

Sở Tài chính chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất; kịp thời tham mưu UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định. Phối hợp với các sở, ngành: Công Thương, Giao thông Vận tải, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh, Hải quan, Thanh tra, Công an, Cục thuế: đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm; Thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ; Phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình bình ổn thị trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp, yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, kê khai giá.

Sở Công Thương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường triển khai thực hiện: các hoạt động xúc tiến thương mại; chương trình bình ổn thị trường; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, kết nối cung cầu, đưa hàng hóa nông thôn ra thành thị; có phương án điều tiết, hỗ trợ đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh.  Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường; Tích cực thực hiện các giải pháp, kế hoạch bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân nhất là trong dịp Tết; không cắt điện trong dịp Tết, giám sát chặt chẽ chất lượng xăng dầu; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; Phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, kịp thời chính sách quản lý, điều hành của nhà nước về bình ổn thị trường hàng hóa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động có các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo đảm ổn định sản xuất; có kế hoạch cụ thể bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng tiêu dùng lớn như gạo, thịt lợn, rau củ quả..., nhất là thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn trước, trong và sau Tết; Thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực biên giới.

Sở Giao thông Vận tải tăng cường điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa; kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải, theo quy định. Có biện pháp phòng, chống không để xảy ra tình trạng ép khách, nâng giá, xe chở quá người quy định, xử lý nghiêm các sai phạm; kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển hàng gian, hàng lậu, các sản phẩm, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải.

Sở Thông tin và Truyền thông kiểm soát hoạt động khai thác các dịch vụ bưu chính, phối hợp kịp thời với các đơn vị chức năng trong việc ngăn chặn các hành vi vận chuyển hàng lậu, hàng cấm; Tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và Lễ hội xuân 2024;  Thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền sâu rộng Chương trình bình ổn thị trường, chương trình Xúc tiến thương mại trong nước và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa và các Hội chợ Xuân.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, dự trữ hàng thiết yếu bình ổn thị trường  trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý.

Kho Bạc Nhà nước tỉnh tăng cường công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo công chức làm công tác kiểm soát chi nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây phiền hà, sách nhiễu, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư; kiên quyết từ chối thanh toán các trường hợp không đủ điều kiện thanh toán theo quy định của pháp luật.

Cục Hải quan tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản đến thời kỳ thu hoạch trong giai đoạn cuối năm, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp Tết; Tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm; đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại;  Chỉ đạo Đội quản lý thị trường các huyện, thị xã có địa bàn biên giới phối hợp với lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành,... làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới, nhất là gia súc, gia cầm và các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Cục Thuế tỉnh rà soát nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, kiểm soát việc kê khai thuế, nộp thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá; tăng cường các giải pháp của cơ quan thuế về phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh hàng hó; Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, phổ biến, tuyên truyền về công tác kiểm soát giá, bình ổn giá tới các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn; vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi phí, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường để ổn định giá bán hàng hóa, dịch vụ; tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định quản lý Nhà nước về giá trên các lĩnh vực, cụ thể: thực hiện niêm yết giá hàng hóa và bán hàng theo đúng giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân, thực hiện văn minh thương mại; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước về đầu cơ, liên kết độc quyền…,kiểm tra và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; Kiên quyết giải tỏa các điểm trông giữ xe không phép, trái phép, vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn. Không cấp giấy phép sử dụng hè đường để trông giữ xe đạp, xe máy, phương tiện ô tô đối với tổ chức, cá nhân nhiều lần vi phạm các quy định của Nhà nước.

Trung Kiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây