Hoạt động rà soát văn bản QPPL phải được thực hiện thường xuyên

Thứ ba - 17/03/2015 18:00 42 0
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND về ban hành Quy chế rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Quy chế này quy định trách nhiệm, nội dung, trình tự, thủ tục rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân (sau đây viết tắt là HĐND) và Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) các cấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gồm nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND (sau đây gọi tắt là nghị quyết), quyết định, chỉ thị quy phạm pháp luật của UBND (sau đây gọi tắt là quyết định, chỉ thị) các cấp.

Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cùng cấp.

Hoạt động rà soát văn bản phải được rà soát thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát văn bản; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện rà soát theo quy định của Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 16/2013/NĐ-CP), Thông tư số 09/2013/TT-BTP ngày 15/6/2013 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Thông tư số 09/2013/TT-BTP) và quy định của Quy chế này. 

Đồng thời, hoạt động hệ thống hóa văn bản phải được tiến hành định kỳ, đồng bộ; kịp thời công bố các văn bản còn hiệu lực, các danh mục văn bản; tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện hệ thống hóa theo quy định của Nghị định số 16/2013/NĐ-CP, Thông tư số 09/2013/TT-BTP và quy định của Quy chế này.

Văn bản do cơ quan nào trình thì cơ quan đó có trách nhiệm rà soát, hệ thống, đề nghị xử lý. Trường hợp văn bản do hai cơ quan quản lý nhà nước trình thì cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm chính rà soát, hệ thống, đề xuất xử lý. Trường hợp văn bản do một cơ quan quản lý nhà nước và một cơ quan khác trình thì cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm rà soát, hệ thống, kiến nghị xử lý. Đối với các văn bản liên quan đến nhiều ngành thì cơ quan trình phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, hệ thống hóa. Căn cứ rà soát văn bản bao gồm rà soát theo văn bản là căn cứ pháp lý và rà soát căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Sở Tư pháp xây dựng các văn bản, kế hoạch rà soát, hệ thống hóa nghị quyết, quyết định, chỉ thị định kỳ; theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn tham mưu UBND tỉnh  xem xét, quyết định; hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc, theo dõi công tác rà soát, hệ thống hóa nghị quyết, quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh, UBND cấp huyện; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ rà soát, hệ thống hóa nghị quyết, quyết định, chỉ thị cho đội ngũ làm công tác rà soát, hệ thống hóa trên địa bàn tỉnh...

Tại Quy chế rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng nêu rõ các quy định khác liên quan đến công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật không được quy định trong Quy chế này thì thực hiện theo quy định của Nghị định số 16/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09/2013/TT-BTP.

Hoàng Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây