Theo Kế hoạch, sẽ tổ chức tiêm phòng định kỳ đợt 1 đến đợt 2/năm cho đàn gia cầm tùy theo tình hình thực tế. Tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu là 80% so với tổng đàn (100% diện tiêm).Đối tượng tiêm phòng là các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ và gia trại chăn nuôi dưới 1.000 con. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào tình hình thực tế xác định khu vực tiêm phòng. Đặc biệt chú trọng các địa bàn có nguy cơ cao để ưu tiên tiêm phòng (khu vực giáp biên giới Căm-pu-chia, các ổ dịch cũ, xung quanh khu vực có ổ dịch mới, nơi có mật độ chăn nuôi gia cầm cao). Sau đợt tiêm phòng cho đàn gia cầm kết thúc tổ chức xét nghiệm hàm lượng kháng thể sau tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát số lượng gia cầm hiện có trên địa bàn quản lý, làm cơ sở để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Khi có dịch xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm ngay tại ổ dịch để xác định chủng vi rút tại thực địa. Lấy mẫu swab định kỳ: mỗi huyện lấy mẫu 3 lần. Tùy tình hình thực tế, Chi cục Thú y sẽ xác định thời điểm có nguy cơ xảy ra dịch cao đề lấy mẫu.
Đồng thời, cần khoanh vùng dịch, tiêu độc, khử trùng phương tiện giao thông vận chuyển động vật, dụng cụ chăn nuôi, thú y, quần áo, giày dép…. trước khi ra khỏi địa bàn có dịch. Thành lập các tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý việc giết mổ hoặc buôn bán thịt gia cầm trong thời gian có dịch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho hộ chăn nuôi khi gia cầm mắc bệnh, chết.
Khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn của huyện, thành phố thì địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương để đảm bảo công tác phòng, chống dịch kịp thời đúng theo quy định hiện hành.
MN