Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2024

Thứ ba - 09/01/2024 21:56 976 0
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 09/01/2024 ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2024

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Dự báo trong nước, tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tuy nhiên khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng. Trong tỉnh, tiếp tục kế thừa phát huy thành quả đã đạt được trong năm 2023. Các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Một số dự án đầu tư quan trọng được đẩy nhanh tiến độ triển khai khi đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Việc hoàn thành Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, chủ động hợp tác liên kết giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ sẽ tạo ra cơ hội mới, động lực mới cho phát triển. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) vẫn còn những hạn chế, khó khăn: Quy mô nền kinh tế còn thấp; doanh nghiệp địa phương chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực sản xuất, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh chưa cao; các yếu tố nền tảng như hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ... chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như sau:

1. Mục tiêu chung

Tập trung ưu tiên, thúc đẩy phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các giải pháp đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả hơn. Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, hài hoà với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh, chăm lo các đối tượng chính sách. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu (bao gồm: 10 chỉ tiêu về lĩnh vực kinh tế, 08 chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội và 03 chỉ tiêu về lĩnh vực môi trường). Cụ thể:

2.1. Về kinh tế (10 chỉ tiêu)

(1) Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) tăng 7% trở lên.

(2) GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 4.250 USD.

(3) Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha đất trồng trọt đạt 112 triệu đồng/ha.

(4) Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP (giá hiện hành - chưa tính thuế sản phẩm): Nông - lâm - thủy sản: 18-19%; Công nghiệp - Xây dựng: 45-46%; Dịch vụ: 31-32%.

(5) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 36%.

(6) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 11.100 tỷ đồng.

(7) Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 37% GRDP.

(8) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15%.

(9) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 10% trở lên.

(10) Kim ngạch xuất khẩu tăng 8%.

2.2. Về xã hội (08 chỉ tiêu)

(1) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,03-0,046% (tương đương 100 hộ đến 150 hộ).

(2) Tỷ lệ thất nghiệp: Khu vực thành thị dưới 1,2%; Khu vực nông thôn dưới 1,8%.

(3) Số lao động có việc làm tăng thêm 16.000 lao động.

(4) Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và dạy nghề đạt 74%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 28%.

(5) Đạt 9,0 bác sĩ/vạn dân và 29 giường bệnh/vạn dân.

(6) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) còn dưới 19%.

(7) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 93,5%.

(8) Thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Bến Cầu thực hiện đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới năm 2024, trình Trung ương thẩm định trong Quý I năm 2025.

2.3. Về môi trường (03 chỉ tiêu)

(1) Duy trì tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó số hộ sử dụng nước sạch tăng 2% so với năm 2023.

(2) Duy trì tỷ lệ che phủ rừng (đã loại trừ cây cao su) đạt 16,3%.

(3) Duy trì tỷ lệ 100% chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý.

Nội dung chi tiết xem file đính kèm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây