Triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ tư - 14/09/2022 11:00 135 0

Theo đánh giá của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, tỉnh Tây Ninh đã triển khai khá toàn diện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, với nhiều hình thức phong phú; hoạt động hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quan tâm triển khai kịp thời; tỷ lệ hoà giải thành cao; làm tốt công tác dân vận thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo được sự đồng thuận xã hội, phát huy tốt vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nổi lên là: Chất lượng, hiệu quả công tác của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là cấp cơ sở còn chưa tốt; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới nhưng chưa thật sự sinh động, chưa thu hút nhiều người tham gia; công tác xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, chưa huy động được nhiều sự tham gia, hỗ trợ kinh phí của doanh nghiệp đóng trên địa bàn; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, Nhân dân còn hạn chế.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 3091/UBND-NC yêu cầu các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, trách nhiệm của các cơ quan thành viên Hội đồng và vai trò chủ động tham mưu của các thành viên Hội đồng trong triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022 của Hội đồng; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các Chương trình, Đề án của các bộ, ngành trung ương.

Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ, đề án theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, chủ trương lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng phục vụ; phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó chú trọng triển khai thực hiện các Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027", "Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021-2027".

Tổ chức truyền thông dự thảo chính sách pháp luật từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" góp phần nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, chính sách, tăng cường công khai, minh bạch, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật; tham mưu xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang Nhân dân.

Phát huy vai trò của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính quyền, thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chuyên môn, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp theo nguyên tắc sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi do mình quản lý. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù, yếu thế trên địa bàn với các hình thức phù hợp (sách, báo, tờ rơi pháp luật; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu xây dựng Apps phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp cho từng đối tượng...).

Gắn kết chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với công tác dân vận; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở mà trực tiếp là hoạt động của các Tổ hòa giải, Hòa giải viên; quan tâm phối hợp với Hội Luật gia triển khai có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Tăng cường tự kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

UBND tỉnh cũng giao Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và phân bổ dự toán ngân sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương theo quy định tại Điều 27 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trên địa bàn cấp huyện, cấp xã phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.

                                                                                                   NTTD

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây