Đặc biệt hiện nay, diễn biến bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc vẫn rất phức tạp trong khi việc vận chuyển trái phép gia cầm vào nước ta còn tồn tại. Hơn nữa, diễn biến của Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS – CoV) trên người hiện nay đang là mối đe doạ khi bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước vùng Trung Đông, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các chuyên gia nghi ngờ bệnh có nguồn gốc từ động vật và lây cho người, đã phát hiện lạc đà, dơi có mang vi rút này.
Nhằm chủ động ngăn chặn việc phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm bằng việc cắt đứt đường truyền lây của mầm bệnh trên quần thể động vật và môi trường; thực hiện Công văn số 4660/BNN-TY ngày 12/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai đợt 1 tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng năm 2015, Ngày 25/6/2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn số 1813/UBND-KTN yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai tháng khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm năm 2015.
Vệ sinh tiêu độc khử trùng đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung: Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại chăn nuôi; quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; Tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.
Đối với chăn nuôi hộ gia đình: Nuôi nhốt gia súc, gia cầm; Quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm bao gồm cả nơi chăn thả; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn; Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.
Đối với cơ sở ấp nở gia cầm, thuỷ cầm: Phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp; thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu huỷ; Phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở...
Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: Nơi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ: Sau khi động vật được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng; Nơi giết mổ vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất; Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh.
Đối với khu vực Chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật: Quét dọn và phun thuốc sát trùng khu vực buôn bán gia súc, gia cầm cuối mỗi buổi chợ; Phương tiện vận chuyển, lồng nhốt phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ; Những quầy bán thịt phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc khử trùng cuối mỗi buổi chợ; Quét dọn và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp đốt hoặc chôn. Đồng thời những nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm cần quét dọn, vệ sinh sạch sẽ.
Đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị thu giữ: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị bắt giữ; Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực nhốt, giữ động vật ngay sau mỗi đợt tiêu hủy. Phân, rác thải phải được xử lý chôn hoặc đốt.
Đối với khu vực biên giới, Khu vực cửa khẩu cần thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đưa vào địa bàn tỉnh qua khu vực cửa khẩu; Khu vực đường mòn, lối mở có động vật, sản phẩm động vật vận chuyển vào nội địa: bố trí hố sát trùng bằng vôi bột với chiều dài hố dài hơn 1 vòng bánh xe để khử trùng các phương tiện qua lại.
Về cách tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng những trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm; Chi cục Thú y tổ chức phân phối thuốc sát trùng và hướng dẫn hộ chăn nuôi tự thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, sát trùng; Việc phun thuốc sát trùng chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như: quét dọn, cọ rửa…;
Thời gian thực hiện trong 01 tháng, bắt đầu từ 25/6/2015 đến hết ngày 25/7/2015.
Các Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 31/7/2015 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT.
TĐ