Triển khai nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2023, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Chủ động rà soát, đẩy nhanh tiến độ tham mưu thực hiện các nội dung, đề án trong Chương trình công tác UBND tỉnh năm 2023; Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ năm 2023; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, các nội dung thuộc chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Chuẩn bị Báo cáo phục vụ sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI.
2. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực. Tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, chủ động thông tin các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để doanh nghiệp và người dân tiếp cận kịp thời. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đưa các chính sách được Hội đồng nhân dân tỉnh vào cuộc sống.
3. Phối hợp đơn vị tư vấn, cơ quan chuyên môn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến các thành viên hội đồng; tổ chức họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với Quy hoạch tỉnh Tây Ninh và khẩn trương giải trình hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2023. Đẩy nhanh phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tây Ninh. Đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2045 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đến năm 2045. Ban hành Đề án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2023 – 2030 và Đề án phát triển khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh.
4. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể tình hình thu ngân sách trên địa bàn quản lý theo từng khoản thu, sắc thuế; tập trung vào các khu vực kinh tế, các sắc thuế thu đạt thấp so dự toán, nhất là thu tiền sử dụng đất, để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời. Quản lý chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường ... Sớm hoàn thành thủ tục phân khai toàn bộ vốn đầu tư công 2023, nhất là nguồn vốn trung ương; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm hạ tầng giao thông, với mục tiêu giải ngân đạt 50% vào 30/6/2023.
5. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư và đất đai. Khẩn trương hoàn tất thủ tục chủ trương đầu tư các dự án thuộc du lịch, chăn nuôi theo chuỗi, gắn với chế biến, dự án chế biến gỗ, trang trí nội thất và dự án phát triển đô thị. Chủ động tháo gỡ khó khăn các dự án đang triển khai, thường xuyên rà soát xử lý nghiêm các dự án chậm triển khai. Ban hành quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; quy định một số chính sách khuyến khích bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương hoàn thành phê duyệt Phương án sử dụng đất đối với Công ty TNHH MTV 30/4. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khoáng sản và môi trường nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác tài nguyên.
6. Triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao các Chỉ số phản ảnh nền hành chính của tỉnh. Rà soát các TTHC liên quan nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân, thường xuyên cập nhật các quy trình điện tử, quy trình nội bộ để kiểm soát chặt chẽ các cơ quan, địa phương, cán bộ công chức trong quá trình giải quyết TTHC để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Tiếp tục rà soát và công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện toàn trình, góp phần tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số năm 2023 và giải pháp nâng cao các chỉ số DTI trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án “Rà soát, điều chỉnh biên chế gắn với vị trí việc làm công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh của tỉnh Tây Ninh”.
7. Tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người lao động. Xây dựng Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp năm 2023 và Kế hoạch tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2023. Thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, trong trường họp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức. Xây dựng Nghị quyết quy định chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh.
8. Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ,... các dịch bệnh mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan. Rà soát, thống kê đối tượng tiêm và nhu cầu vắc xin phòng COVID-19 năm 2023. Triển khai thực hiện Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua.
9. Bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng văn kiện diễn tập khu vực phòng thủ năm 2023. Các lực lượng quân sự – công an – biên phòng phối hợp chặt chẽ nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong nội địa và trên tuyến biên giới; ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, mua bán vận chuyển ma túy, buôn lậu; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển. Ban an toàn giao thông các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông hướng đến việc kéo giảm tai nạn giao thông. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tổ chức Hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác với Ban hành chính 02 tỉnh Prey Veng và Tboung Khmum, Campuchia và Văn phòng Hành chính 02 tỉnh Svay Rieng và Kampong Cham, Campuchia giai đoạn 2023-2028.