Từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, sạch, hiệu quả

Thứ ba - 19/07/2022 22:00 514 0
​Việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường; từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, sạch.

4359.jpg

ảnh minh hoạ

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021–2025.

Mặc dù kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng đã chịu sự tác động lớn của dịch Covid-19 trong năm 2021, nhưng đến 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế của tỉnh đã có bước phục hồi mạnh mẽ.

 Điểm sáng trong phát triển vẫn là việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tạo ra những khởi sắc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp mở ra tiềm năng, cơ hội về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Các chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất của tỉnh đã được ban hành và từng bước đi vào cuộc sống, tạo động lực lớn thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo đúng định hướng.

Năm 2022, ngành nông nghiệp có 2 nội dung quan trọng đang chờ chủ trương ban hành và triển khai thực hiện, gồm: Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) tỉnh Tây Ninh và Đề án vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu.

Về Đề án vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC tỉnh Tây Ninh, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên cơ sở phối hợp với sở, ban, ngành và địa phương rà soát các vùng có tiềm năng hình thành vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC, Sở đã đề xuất tham mưu UBND tỉnh.

Trên cơ sở tiếp thu và hoàn chỉnh các ý kiến góp ý, hiện Sở đã hoàn chỉnh và tham mưu UBND tỉnh định hướng 17 vùng có thể phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC thực hiện trong giai đoạn 2022–2030. Dự kiến trong năm 2022, đề án sẽ được các cấp có thẩm quyền thông qua và sẽ triển khai thực hiện vào năm 2023.

9773.jpg 

ảnh minh hoạ

Đề án vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu là một trong những vùng được thí điểm thực hiện cụ thể trên cơ sở định hướng trong đề án vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC tỉnh Tây Ninh.

Hiện tại, đề án đã được chỉnh sửa theo ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh. Sở NN&PTNT cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị phê duyệt Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu.

 Ngoài ra, nhằm hỗ trợ huyện Tân Châu kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Tân Châu tổ chức đưa các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp khảo sát thực địa các khu đất công trên địa bàn huyện Tân Châu để lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp.

Sau khi Đề án được phê duyệt, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ huyện Tân Châu trong công tác mời gọi đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại đây để sớm hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường; từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, sạch. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở quy mô nhỏ, lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng.

 img-3344.jpg

ảnh minh hoạ

Việc duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt vẫn còn nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định. Do vậy, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nhằm nâng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh, tạo ra sản phẩm xanh, sạch, bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và đa dạng hoá các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn với giá trị cao nhất.

Về chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh hiện có 634 trang trại gia súc với tổng đàn 194.716 con và 102 trang trại gia cầm với tổng đàn 6,1 triệu con. Tất cả các trang trại đều áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như lắp hệ thống cung cấp thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn và dịch bệnh...

Theo Sở NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do xuất hiện mưa trái mùa với tần suất nhiều, nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn hiện hữu.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây