Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát: Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng bền vững

Thứ tư - 09/10/2013 00:00 242 0

Theo bảng đánh giá Nhu cầu bảo tồn của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát do các chuyên gia tư vấn miền Nam thuộc Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam, vị trí, tầm quan trọng của Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát trong hệ sinh thái toàn cầu tại miền Nam Việt Nam, là đại diện duy nhất của vùng sinh thái rừng khô miền Trung Đông Dương.

Đây là vùng sinh thái có các kiểu rừng nổi tiếng toàn cầu về số lượng các loài thú lớn sống trong khu vực nguyên sinh rộng lớn, ngoài ra VQG hỗ trợ khoảng 50% tất cả rừng thường xanh được bảo vệ trong vùng sinh thái rừng ẩm phía Đông Đông Dương. Trong số 160 loài thú đã được ghi nhận trong vùng sinh thái này thì có 42 loài có mặt tại VQG Lò Gò - Xa Mát. Chính vì những lý do này mà Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế và Viện Điều tra Quy hoạch rừng đã kiến nghị giữ nguyên khu rừng đặc dụng Lò Gò - Xa Mát để trở thành một hệ thống các khu vực bảo tồn và kiến nghị mở rộng phạm vi bảo tồn thêm 9.700 ha (một phần khu rừng đặc dụng Chàng Riệc). Những ưu tiên bảo tồn của vùng sinh thái trên đất liền này không chỉ về đặc điểm đa dạng sinh học nổi bật của nó, mà quan trọng là nó đại diện cho khu vực quý hiếm trong vùng sinh thái trên đất thấp với các sinh cảnh rộng lớn còn nguyên vẹn có thể hỗ trợ các loài thú lớn sinh sống về lâu dài.

Các khu vực đất thấp là nơi sinh trưởng của nhiều loài thực vật thích nghi với điều kiện khí hậu gió mùa, như: rừng cây họ Dầu chiếm ưu thế tại khu vực rừng khô thường xanh đến các khu vực rừng bán thường xanh; cây bụi, dây leo có nhiều công dụng khác nhau để làm dược liệu; các loại mây, tre, lá; các loài cây thân rễ chằn chịt và loài thực vật biểu sinh....

Bên cạnh đó, VQG còn là nơi ghi lại nhiều dấu ấn, di tích lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc như sự kiện ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (CMLTMN) vào ngày 8/6/1969. Sau khi thành lập, Chính phủ CMLTMN Việt Nam xây dựng căn cứ ở nhiều nơi khác nhau, đến năm 1972 thì chuyển về ở Trảng A Lân, xã Tân Lập, huyện Tân Biên (nay thuộc Tiểu khu 23 và 24 VQG Lò Gò - Xa Mát). Trong kháng chiến chống Mỹ, cơ quan này cùng với căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng và Trung ương cục miền Nam hợp thành trung tâm đầu não quan trọng của cách mạng miền Nam. Ngoài ra, trong lòng của khu rừng đặc dụng này còn có căn cứ của các cơ quan thuộc Chính phủ CMLTMN Việt Nam như: Thông tấn xã giải phóng, Nhà máy in, Đài phát thanh giải phóng, Hãng phim giải phóng, Bệnh viện Liên cơ... và căn cứ Ban Tuyên huấn - Trung ương cục Miền Nam. Năm 2000, khu di tích Chính phủ CMLTMN Việt Nam được trùng tu và được xếp vào hàng khu di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hệ thực vật của rừng VQG  cho đến nay đã biết khoảng 696 loài thuộc về 5 ngành thực vật, 60 bộ, 115 họ và 395 chi. Có 158 loài cây có khả năng làm thuốc hoặc đã được sử dụng làm thuốc nam truyền thống địa phương; 58 loài cây cho gỗ; 21 loài cây làm cảnh; 10 loài cây thực phẩm; 7 loài cây dùng làm rau xanh.

Về loài thú có 42 loài thuộc 7 bộ. Một số loài thú quan trọng có giá trị cao, như: loài Chà vá chân đen đặc hữu của Đông Dương; Voọc bạc; Khỉ đuôi dài; Khỉ đuôi lợn; Cu li nhỏ; Mễng; Dơi chó tai ngắn; Sóc bay đen trắng; Sóc bay đỏ lớn; Nhím bờm; Cheo cheo; Mèo Ri …

Các loài chim đã quan sát được tại VQG Lò Gò - Xa Mát tính đến nay là 203 loài thuộc 15 bộ và 40 họ. Có 4 loài quí hiếm ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam và thế giới đó là Gà lôi hông tía, Già đẫy Java, Hạc cổ trắng, Le khoang cổ, Cò nhạn và Chích chạch má xám là loài chim có vùng phân bố hẹp trên phạm vi Đông Nam Á.

Với vị trí địa lý đặc thù và là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú, việc bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và phát triển rừng hướng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đồng thời phát huy truyền thống của văn hóa dân tộc, các di sản lịch sử, hỗ trợ cho phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà đang là yêu cầu cấp thiết. Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, chiến lược phát triển du lịch sinh thái VQG Lò Gò - Xa Mát cần phải đảm bảo việc không được sử dụng đất có rừng và các bàu, trảng có giá trị bảo tồn mà chỉ nên sử dụng đất trống, đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở du lịch phải đa dạng hóa, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, hướng đến sự đơn giản, hài hòa và gần gũi với tự nhiên.

Du lịch sinh thái VQG Lò Gò - Xa Mát nằm trong chương trình phát triển du lịch chung của tỉnh Tây Ninh. Chính vì vậy, ngay từ khi hình thành Trung tâm du lịch sinh thái ưu tiên tập trung đầu tư vào việc đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kể cả việc khai thác nguồn nhân lực từ những người hướng dẫn viên du lịch là dân địa phương. Điều này cần được xem như là một chiến lược phát triển hướng đến sự bền vững lâu dài trong tương lai. Về loại hình và hình thức du lịch, tùy theo nhu cầu và sở thích của du khách có thể áp dụng một trong ba loại hình đi bộ, đi xe đạp hoặc đi xuồng ba lá trong quá trình tham quan rừng và các sinh cảnh trong những điều kiện khác nhau. Nổi bật nhất là phát triển du lịch sinh thái kết hợp rèn luyện sức khỏe bằng hình thức chủ yếu là đi xe đạp, đi bộ và một số ít đi bằng xe bò, đây là một trong những phương tiện cổ điển của người dân bản địa nơi đây. Trong tương lai 5 - 10 năm tới VQG Lò Gò-Xa Mát sẽ phát triển xây dựng nơi đây thành một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và chuyên dụng cho các hình thức du lịch, dã ngoại, như: tham quan bằng phương tiện xe đạp đến các điểm văn hoá di tích lịch sử; thăm rừng dầu trà beng, rừng dầu lông; suối Đaha; trảng đất ngập nước Tà Nốt theo cấu trúc của thuyền dạng độc mộc dành cho 1-2 người quan sát nhiều loài thuỷ sinh và thực vật biến đổi theo mực nước ngập trong năm... Ngoài ra, du khách có thể đến thăm vùng Trạm quan sát chim nước, Gà Lôi, ngắm nhìn mặt trời mọc và lặn;  tham quan trảng cây tre lùn đặc trưng dưới tán rừng “khộp”, một số loài cỏ thân mềm có hoa màu tím đặc biệt; đất ngập nước theo mùa mưa và ngắm các loài hoa đẹp nổi tiếng, rất phổ biến như hoa sổ vàng, hoa trang trắng đỏ, hoa nghệ rừng hồng cánh sen có tính chuyên hóa cao như hoa lan, rừng tràm cây hoa quanh năm dạng bụi thấp có khả năng tái sinh cao và hoàn toàn thích nghi với lửa rừng, trong đó có hoa dầu Trà Beng màu đỏ cánh sen là biểu tượng của VQG, một hệ sinh thái rất đa dạng và phong phú và tiến hoá rất cao do thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

Riêng tuyến tham quan trảng Tà Nốt bằng đường bộ đặc biệt vào tháng 5,6,7 và 9,10,11 hàng năm. Đây là một trảng cỏ năng ngập nước đẹp nhất của VQG với tính đa dạng sinh học cao đầy màu sắc của nhiều loại hoa rừng, như hoa lan trắng, màu vàng hoa sổ, màu đỏ hoa dầu lông và dầu trà beng, màu xanh lam hoa thái lài, màu đỏ tía hoa râm bụt rừng, hồng cánh sen của hoa nghệ, màu trắng hoa đại tướng quân, màu vàng xanh của hoa trâm, trảng cây gai bụi đặc trưng cho vùng khô hạn, cây Chà Là rừng, thảm cỏ chỉ mượt. Các chồi non của cây dầu lông với những lá bắc màu hồng vươn lên mạnh mẽ như một biểu tượng của sự sống. Tuyến bàu Bà Điếc là tuyến duy nhất có thể đi bằng xe bò kéo tham quan các vùng canh tác và tìm hiểu văn hóa cộng đồng của người nông dân Tây Ninh, từ kiểu nhà, bàn thờ tổ tiên hoặc giao lưu với cộng đồng ăn cơm miệt vườn, uống rượu gạo, tham quan trảng cỏ lác, năng ngọt, quan sát các loài chim nước và dấu vết khu rừng tràm nguyên sinh cổ xưa còn sót lại khu vực bàu Bà Điếc. 

Với tổng vốn đầu tư là 51,6 tỷ đồng, được chia làm 03 giai đoạn: Giai đoạn I (2008-2010) xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho nguồn du khách hiện có của tỉnh và người dân địa phương trong vùng. Giai đoạn II (2010 - 2015) nâng cấp mở rộng liên kết với khu vực Trung tâm của VQG và khu vực Thiện Ngôn (khu dịch vụ, hành chính, nghiên cứu khoa học và lâm viên VQG). Giai đoạn III (2015 - 2020) xây dựng và phát triển du lịch vùng đệm, xây dựng một khu du lịch sinh thái vườn gồm các quán ăn gia đình, giới thiệu, trưng bày sản phẩm truyền thống, thưởng thức, giao lưu âm nhạc và lễ hội dân tộc....

Tuy nhiên, trở ngại lớn trong hoạt động phát triển du lịch sinh thái tại VQG là vấn đề nhạy cảm của “vùng biên giới” và chế độ thủy văn vào mùa khô kiệt. Do đó cần phải tiếp tục xây dựng một chính sách thích hợp, nhằm khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, của những người lính biên phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới vào các hoạt động của chương trình du lịch sinh thái này. Đồng thời, cũng cần xây dựng một quy chế phối hợp đồng bộ giữa Ban quản lý VQG và lực lượng biên phòng trong công tác quản lý du khách, đảm bảo an ninh trật tự vùng bên giới.

Thanh Tùng

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây