Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý I năm 2024

Thứ tư - 03/04/2024 17:13 549 0
Một số kết quả về tình hình kinh tế - xã hội như sau:

I. Kết quả đạt được

1. Về Kinh tế

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP – theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 13.845 tỷ đồng, tăng 8,1% so với CK (KH 2024: tăng 7% trở lên). Trong đó, khu vực nông –lâm - thủy sản tăng 3%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,1%, khu vực dịch vụ tăng 7,8%, Thuế sản phẩm - trợ cấp sản phẩm tăng 3,3%.

- Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung gieo trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh đã xuống giống 105.035 ha cây trồng ngắn ngày, bằng 91% so với kế hoạch (KH), tăng 3,2% so với cùng kỳ (CK). Diện tích cây trồng nhiễm sâu bệnh gia tăng, tuy nhiên mức độ nhiễm nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng.

Tình hình chăn nuôi và giá sản phẩm chăn nuôi ổn định, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; cơ cấu tiếp tục được chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học. Ước sản lượng gia súc, gia cầm so với CK: thịt heo đạt 13.860 tấn tăng 10,7%, thịt gia cầm đạt 14.938 tấn tăng 13,8%, thịt bò đạt 715 tấn tăng 0,9%.

Thực hiện các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh. Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn, thiếu nước năm 2024. Quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, đảm bảo công tác cấp nước tưới phục vụ sản xuất. Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn các đối tượng vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua, bán, sử dụng lâm sản trái pháp luật. Xảy ra 04 vụ cháy rừng trồng với diện tích khoảng 0,498 ha (tăng 01 vụ so với CK năm trước, diện tích cháy giảm 5,7ha), các vụ cháy đã được các đơn vị chủ rừng phát hiện và ngăn chặn khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn; mức độ thiệt hại: héo lá cây rừng trồng. Xảy ra 27 vụ vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp trên địa bàn 02 huyện Tân Châu, Tân Biên và thành phố Tây Ninh (giảm 08 vụ so với CK); điều tra, xác minh xử lý 33 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (có 18 vụ tồn của năm 2023 chuyển sang).

Tình hình đầu tư và chế biến:

+ Chế biến mía đường: Lượng mía đưa vào sản xuất đạt 1.028.541 tấn mía (tăng 22,31% so với CK), sản xuất được 179.230 tấn đường, CCS bình quân: 9,22; tạp chất bình quân: 5,80%; tỷ lệ xơ bình quân: 16,03%.

+ Chế biến mì: ước khối lượng củ mì đưa vào chế biến khoảng 1.017.240 tấn (tăng 2,1% so với CK), sản xuất được 254.310 tấn bột (trong đó sản xuất công nghiệp là 864.654 tấn củ, với 216.164 tấn bột; cơ sở vừa và nhỏ là 152.586 tấn củ, với 38.146 tấn bột).

- Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14% so với CK, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,4%, tập trung ở các ngành: sản xuất thiết bị điện tăng cao nhất (+47,1%); sản xuất kim loại (+31,6%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (31,2%); công nghiệp dệt (+21,8%); sản xuất chế biến thực phẩm (+15,7%) đặc biệt sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng mạnh (+231%).

Tính đến ngày 01/03/2024, ngành điện đã cung cấp 985,73 triệu kWh điện, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, bán sang Campuchia 25,44 triệu kWh điện và tiết kiệm được 24,43 triệu kWh điện.

Ngày 01/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh (quy mô: 495,17 ha, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đề xuất).

- Thương mại, dịch vụ và du lịch

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 29.450 tỷ đồng, tăng 12,8% so với CK. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 23.040 tỷ đồng, tăng 12,2% so CK; dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 3.563 tỷ đồng, tăng 16,1% so với CK.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.562 triệu USD, đạt 25% so với KH, tăng 21% so với CK. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: chất dẻo nguyên liệu tăng 55%; hàng dệt may tăng 28%; xơ, sợi dệt các loại tăng 26%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.412 triệu USD, đạt 26,7% so với KH, tăng 5,1% so với CK.

Tổng doanh thu du lịch 1.382 tỷ đồng, đạt 60% so KH, tăng 36% so CK; với 2,522 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, đạt 45% so KH, giảm 4% so CK.

Triển khai thực hiện các kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực và địa bàn, tập trung trên tuyến biên giới. Trong quý I, đã phát hiện 270 vụ với 281 đối tượng vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính 9.073 triệu đồng, trong đó buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu: 118 vụ; gian lận thương mại: 151 vụ; hàng giả: 01 vụ. Đã xử lý 194 vụ, thu nộp ngân sách: 25.938 triệu đồng (trong đó: xử phạt hành chính: 23.268 triệu đồng; tịch thu bán hàng: 1.775 triệu đồng, tiền phạt bổ sung: 895 triệu đồng).
- Đầu tư phát triển
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 9.031 tỷ đồng, đạt 20,5% so với KH, tăng 4,2% so với CK. Bao gồm: khu vực dân doanh tăng 5,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,5%, khu vực nhà nước giảm 7,3% so với CK. 
Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 66.700 tỷ đồng, tăng 0,5% so với đầu năm và tăng 8,4% so với CK; trong đó vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 5.950 tỷ đồng, chiếm 8,9% tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,7% so với đầu năm, giảm 0,3% so với CK. 
Trong 3 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng tập trung triển khai các giải pháp, chính sách tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh tăng nên dư nợ cho vay tiếp tục tăng. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 100.300 tỷ đồng, tăng 2% so đầu năm, tăng 12,6% so với CK. Trong đó dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh ước đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 2,2% so đầu năm, tăng 14,2% so với CK và chiếm 84,7% tổng dư nợ (dư nợ cho vay doanh nghiệp ước đạt 28.450 tỷ đồng, tăng 2% so đầu năm, tăng 11,7% so với CK với 1.242 doanh nghiệp).
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 3.305 tỷ đồng, đạt 29,8% dự toán, tăng 4,4% CK; trong đó thu nội địa 2.908 tỷ đồng, đạt 29,4% so dự toán, tăng 3,6% so với CK; thu xuất nhập khẩu 397 tỷ đồng, đạt 33,1% so dự toán, tăng 10,7% so với CK. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 2.769 tỷ đồng, đạt 24,8% dự toán, bằng 98,9% so với CK.
Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 do HĐND tỉnh giao là 4.250,498 tỷ đồng, tăng 76,176 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương so với KH do Thủ tướng Chính phủ giao. Đã giao chi tiết 4.238,498 tỷ đồng/4.250,498 tỷ đồng, đạt 99,72% KH HĐND tỉnh giao; số vốn còn lại chưa phân bổ là 12 tỷ đồng (vốn NSTW), dự kiến giao cho dự án Xây dựng cửa khẩu quốc tế Tân Nam sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án. Ước giải ngân đến hết ngày 31/3/2024 là 596,525 tỷ đồng, đạt 14,29% KH Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 14,03 KH HĐND tỉnh giao (giảm so với CK - giải ngân đến 31/3/2023 là 869,1 tỷ đồng, đạt 21,4% KH Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 19% KH HĐND tỉnh giao).
Kết quả thực hiện các dự án trọng điểm:
+ Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và xin ý kiến Thành viên hội đồng thẩm định liên ngành.
+ Dự án Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh): ngành Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện các phương án tuyến, phương án tài chính của dự án.
+ Một số công trình, dự án giao thông đang tập trung thi công (Đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789; nâng cấp, mở rộng ĐT.795; Đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn - giai đoạn 2); dự án đang thực hiện bước chuẩn bị đầu tư (chỉnh trang đường CMT8 từ cầu Quan đến Điện Biên Phủ; Đường ĐT.784C (Bàu Năng - Bàu Cóp); nâng cấp đường kết nối với cửa khẩu quốc tế Tân Nam - đoạn từ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tân Nam đến ngã ba giao ĐT.788 và ĐT.783; dự án đường Trường Chinh).
+ Xây dựng cửa khẩu quốc tế Tân Nam: Ngày 01/3/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 511/QĐ-BTNMT.
+ Dự án Khu tham quan chuyên đề, lưu trú, nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ trên đỉnh núi Bà Đen đang thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, chuyển mục đích sử dụng rừng.
+ Trung tâm Logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh: Dự kiến thị xã Trảng Bàng niêm yết phương án bồi thường vào tháng 4/2024 và bắt đầu chi trả trong tháng 6/2024.
-    Các chương trình mục tiêu quốc gia
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM): Công nhận xã đạt chuẩn NTM, xã đạt chuẩn nông thôn NTM nâng cao, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023 (04 xã đạt NTM mới , 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao , 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu ). Hướng dẫn tổ chức công bố xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Xây dựng quy định sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí về xã NTM, xã NTM nâng cao, huyện NTM và huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ; Kế hoạch truyền thông và giảm nghèo về thông tin và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: phân bổ vốn thực hiện các Dự án . 
-    Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Ban hành Kế hoạch hành động về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 ; Chương trình xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Tây Ninh năm 2024 . Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 . Tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư và nâng cao các chỉ số (PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS, ICT INDEX, DTI), năm 2024 tỉnh phấn đấu nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt cả nước, các chỉ số thành phần, tiêu chí chấm điểm nâng cao so với năm trước.
Hoàn thành giai đoạn 1 vận hành Trang thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp và giám sát đầu tư tỉnh Tây Ninh. Đã cập nhật đầy đủ các thông tin về dự án, chính sách, thông tin hỗ trợ đầu tư và tổ chức tập huấn việc đăng tải thông tin lên trang thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp và giám sát đầu tư tỉnh Tây Ninh.
Tính đến 15/3/2024: 
+ Thu hút đầu tư trong nước ước đạt 2.450 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần so với CK. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư mới 03 dự án với tổng vốn đăng ký 2.416 tỷ đồng ; 01 dự án điều chỉnh tăng vốn 34 tỷ đồng và 01 dự án trong nước chuyển thành dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2,3 tỷ đồng. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 701 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với vốn đăng ký là 133.599 tỷ đồng; trong đó có 415 dự án đi vào hoạt động với số vốn 74.569 tỷ đồng, 94 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn 13.336 tỷ đồng, 163 dự án chưa xây dựng với số vốn 44.378 tỷ đồng, 25 dự án dừng hoạt động với số vốn 1.331 tỷ đồng, 05 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
+ Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 51,9 triệu USD, giảm 57,2% so với CK. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới 04 dự án với vốn đăng ký 18,5 triệu USD; 05 dự án điều chỉnh tăng vốn 33,4 triệu USD; 02 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp với vốn đăng ký 0,2 triệu USD; 03 dự án chấm dứt hoạt động với vốn đăng ký 5 triệu USD. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 367 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 9.762 triệu USD, trong đó có 247 dự án hoạt động với số vốn 7.886 triệu USD; 34 dự án đang xây dựng với số vốn 614,8 triệu USD; 77 dự án chưa triển khai với số vốn 1.231,7 triệu USD; 09 dự án dừng hoạt động với số vốn 29,5 triệu USD; vốn thực hiện lũy kế chiếm khoảng 50% tổng vốn đăng ký. 
Có 147 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.400 tỷ đồng, so với CK giảm 20,1% về số doanh nghiệp và tăng 7,1% về vốn đăng ký. Có 33 doanh nghiệp giải thể với số vốn 503 tỷ đồng. Lũy kế trên địa bàn tỉnh có 8.225 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 197.075 tỷ đồng. 
Thành lập mới 02 hợp tác xã (HTX). Lũy kế có 187 HTX với tổng vốn điều lệ là 243 tỷ đồng và 38.610 thành viên. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 58/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023.
-    Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 các huyện, thị xã, thành phố. Hoàn chỉnh hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh được duyệt. Công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo đúng quy định  . Công tác cấp phép khai thác khoáng sản, giấy phép về thăm dò, khai thác nước dưới đất, giấy phép xả thải vào nguồn nước đảm bảo theo quy định . 
Thực hiện giám sát nguồn thải sông, rạch theo kế hoạch bảo vệ môi trường sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh năm 2024; kế hoạch quan trắc hồ Dầu Tiếng năm 2024. Triển khai kiểm tra đột xuất tình hình bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm của các doanh nghiệp bị phản ánh trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Công tác quy hoạch
Ban hành Kế hoạch công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 . Hoàn chỉnh dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
 Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045. Tiếp tục hoàn chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới các huyện Tân Châu, Châu Thành, Tân Biên đến năm 2045. Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045.
2. Văn hóa, xã hội 
Tích cực triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Chú trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Có phương án xử lý sáp nhập các cơ sở trường học trên địa bàn thành phố Tây Ninh.
Ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ; Kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn năm 2024 . Triển khai thực hiện Kế hoạch số 173-KH/TU ngày 04/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 . Có 119 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng 501 người lao động nước ngoài. Tư vấn việc làm và học nghề cho 3.645 lượt lao động, tổ chức đưa 10 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; giải quyết việc làm tăng thêm cho 4.749 lao động, đạt 29,68% so với KH (KH: 16.000 lao động).
Tiếp tục triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Triển khai các Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030. Cập nhật và đăng tải 70 tin tức liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng lên website https://tbt.tayninh.gov.vn.
Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, ghi nhận 80 ca mắc bệnh tay - chân - miệng (tăng 62 ca so CK), 188 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (giảm 137 ca so CK). Thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Hiện nay, gói thầu số 3 thuốc generic đấu thầu tập trung cấp địa phương giai đoạn 2022-2024 và gói thầu thuốc dược liệu phối hợp với dược chất hóa dược, thuốc cổ truyền để sử dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 đang thực hiện, dự kiến cuối tháng 3 năm 2024 sẽ hoàn tất để các đơn vị có thuốc sử dụng phục vụ bệnh nhân. Gói thầu vật tư y tế của các đơn vị dự kiến tháng 4 năm 2024 sẽ hoàn thành, sau khi công tác đấu thầu hoàn thành các cơ sở y tế công lập sẽ đảm bảo thuốc, vật tư y tế cho công tác khám chữa bệnh của đơn vị. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,8%.
Các chính sách về an sinh xã hội được thực hiện tốt. Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động đón tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 , trong đó tổng kinh phí thực hiện công tác chăm lo, phục vụ Tết Nguyên đán là 87,311 tỷ đồng. Thực hiện xây dựng và bàn giao 57 căn nhà đại đoàn kết. Phê duyệt kết quả rả soát hộ không khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh . Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023 , kết quả số hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 là 2.038 hộ, chiếm tỷ lệ 0,65%. Trong đó: tổng số hộ nghèo là 512 hộ, tỷ lệ 0,16%; tổng số hộ cận nghèo là 1.571 hộ, chiếm tỷ lệ 0,49%. Số hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình là 9.987 hộ/12.543 người, chiếm tỷ lệ 1,24%.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục đổi mới về nội dung lẫn hình thức phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tổ chức các chương trình văn hoá nghệ thuật nhằm quảng bá du lịch, hình ảnh con người đến Tây Ninh đến với các tỉnh bạn trong dịp Tết Nguyên đán. Các khu di tích, điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch được chỉnh trang về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dịch vụ; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp đón Tết Nguyên đán được bảo vệ và phát huy giá trị.
Ban hành Kế hoạch về Công tác thông tin đối ngoại tỉnh Tây Ninh năm 2024; Công tác theo dõi, định hướng thông tin tuyên truyền cho các cơ quan báo chí kịp thời và hiệu quả. Cung cấp thông tin kịp thời về các sự kiện trọng đại của đất nước, thông tin kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội.
3. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phòng, chống tham nhũng
- Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số
Ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2024 trên địa bàn tỉnh ; Quyết định công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 đối với các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh ; Danh mục thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và Danh mục thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần trên địa bàn tỉnh Tây Ninh . Tổ chức khoá bồi dưỡng “Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả” tại Cộng hòa Singapore.
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 15/12/2023 đến 14/3/2024: Số hồ sơ tiếp nhận phải giải quyết là 122.299 hồ sơ, trong đó có 114.929 hồ sơ đã giải quyết: 109.837 hồ sơ trước hạn, đúng hạn (89,81%), 5.092 hồ sơ quá hạn (4,16%); 7.370 hồ sơ hồ sơ đang giải quyết: 5.826 hồ sơ trong hạn (4,77%); 1.544 hồ sơ quá hạn (1,26%) .
- Công tác tư pháp, thi hành án dân sự
Thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được 878 cuộc với hơn 31.097 lượt người tham gia; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh 1.022 giờ; tủ sách pháp luật có 145 lượt người tìm hiểu. 
Công tác trợ giúp pháp lý: tham gia tố tụng 94 vụ cho 128 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Thực hiện tư vấn pháp luật tại trụ sở cho 34 lượt người dân. Công tác hòa giải đã tiếp nhận 69 vụ; đưa ra hòa giải 69 vụ, trong đó hòa giải thành 62 vụ đạt 89,9%, hòa giải không thành 07 vụ.
Thi hành án dân sự (từ ngày 1/10/2023 đến 28/02/2024): Tổng số việc giải quyết là 19.036 việc (trong đó số thụ lý mới là 7.349 việc, tăng 1.103 việc so với CK). Tổng số việc phải thi hành: 18.896 việc, trong đó số việc có điều kiện giải quyết 12.142 việc, đã thi hành xong 4.807 việc; số việc chưa có điều kiện giải quyết 6.359 việc.
- Công tác thanh tra, kiểm tra
Thực hiện 30 cuộc thanh tra hành chính, chủ yếu trên lĩnh vực tài chính ngân sách (05/21 cuộc), còn lại là các lĩnh vực đất đai, quản lý hành chính, xây dựng cơ bản; đã ban hành kết luận 08 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm 226 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 102 triệu đồng, kiến nghị khác 125 triệu đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 28 cá nhân.
Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã triển khai 2.275 cuộc, ban hành kết luận 2.256 cuộc đối với 7.512 cá nhân và 70 tổ chức, phát hiện 48 cá nhân và 10 tổ chức vi phạm, đã ban hành 35 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 386 triệu đồng, số tiền đã thu qua kiến nghị thu hồi và xử phạt vi phạm hành chính là 386 triệu đồng (đạt 100%), vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, môi trường, kiểm dịch, y tế...
Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân: Toàn tỉnh đã tiếp 528 lượt, 491 người, 413 vụ việc; phân loại, xử lý kịp thời 66 đơn khiếu nại, tố cáo đủ điền kiện xử lý. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết là 38 đơn (35 đơn khiếu nại, 03 đơn tố cáo), đã giải quyết 09 đơn, đạt 24% trên tổng số thụ lý, số còn lại đang xác minh, xem xét giải quyết. Đã tổ chức thực hiện xong 15/27 quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện (đạt 56%) (trong đó, đã thực hiện xong 02/12 quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật của Chủ tịch UBND tỉnh, đạt 17% ).
- Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; tổ chức 250 cuộc tuyên truyền với 8.124 lượt người tham dự. Tổ chức kiểm tra, thanh tra 03 cuộc/03 cơ quan, phát hiện 29 người vi phạm về tiêu chuẩn, định mức, chế độ với số tiền vi phạm phát hiện và xử lý 135 triệu đồng; đã thực hiện chuyển đổi 05/115 trường hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Trong kỳ không phát sinh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của địa phương: khởi tố 03 bị can; xét xử sơ thẩm 01 vụ, 02 bị cáo; xét xử phúc thẩm 01 vụ, 05 bị cáo; hiện đang tiếp tục theo dõi 03 vụ, 17 người có dấu hiệu tham nhũng đang được xử lý, chưa có kết quả xét xử sơ thẩm; xử lý kỷ luật 02 lãnh đạo; xử lý hành chính về hành vi tham nhũng 01/01 người.
4. Quốc phòng, an ninh
Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ, theo dõi nắm chắc tình hình, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới.
Tình hình trật tự an toàn xã hội (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/03/2024): Tiếp nhận 343 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự (tăng 37 vụ so với CK), làm rõ 301 vụ, 661 đối tượng, đạt 87,75%. Trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tiếp nhận 98 vụ (tăng 44 so với CK), làm rõ 89 vụ 1569 đối tượng, đạt 90,82% (vượt tỷ lệ Bộ Công an giao 0,82%).
Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 164 vụ, 248 đối tượng (tăng 30 vụ so với CK), điều tra làm rõ 122 vụ, 248 đối tượng (đạt tỷ lệ 74,39%), trong đó tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiệm trọng về trật tự xã hội xảy ra 43 vụ, điều tra làm rõ 34 vụ, 45 đối tượng. Tội phạm về cờ bạc xảy ra 20 vụ (giảm 20 vụ so với CK), điều tra khám phá 20 vụ, 168 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%. Tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế phát hiện 44 vụ, 67 đối tượng (tăng 09 vụ so CK); khởi tố 54 vụ, 91 bị can. Tội phạm về ma túy phát hiện 91 vụ (giảm 18 vụ so với CK), điều tra làm rõ 91 vụ, đạt tỷ lệ 100%; khởi tố 97 vụ, 152 bị can. Tội phạm về giao thông tiếp nhận 23 vụ, làm rõ 23 vụ, 24 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%; khởi tố 23 vụ, 24 bị can.
Tai nạn giao thông (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/03/2024): Xảy ra 125 vụ, chết 62 người, bị thương 87 người. So với CK, tăng 38 vụ, giảm 22 người chết, tăng 69 người bị thương. Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 29/01/2024. 
Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, giải quyết các vụ việc phát sinh về công tác lãnh sự trên địa bàn tỉnh, công tác bảo hộ công dân và người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Tây Ninh. Tổ chức Họp mặt hữu nghị mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia. 
II. Đánh giá chung
1.    Mặt làm được
Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo động lực mới, thúc đẩy tăng trưởng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh 3 tháng đầu năm tuy chưa có kết quả rõ nét, nhưng có xu hướng phục hồi. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, ước đạt 8,1%, tăng cao hơn so cùng kỳ (CK 2023 tăng 2,21%). 
Sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định, diện tích gieo trồng tăng 3,2%, sản lượng gia súc, gia cầm tăng trên 10% so với CK, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp được triển khai kịp thời và đảm bảo các đối tượng thụ hưởng theo quy định.
Sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm tăng khá cao nhờ được bổ sung thêm năng lực mới từ những tháng cuối năm 2023 , chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14% so với CK. 
Kim ngạch xuất khẩu tăng 21% so với CK. Các đơn hàng gia tăng, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 3.305 tỷ đồng, đạt 29,8% dự toán, tăng 4,4% CK, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 397 tỷ đồng, tăng 10,7%.
Tổng dư nợ tín dụng hơn 100.000 tỷ đồng, tăng 2% so đầu năm, tăng 12,6% so với CK cho thấy vốn đi vào sản xuất, tiêu dùng tăng khá.
Thu hút đầu tư trong nước ước đạt 2.450 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần so với CK.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra nhộn nhịp. Ngành du lịch đã tăng cường các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; các hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí... cũng tăng theo nhu cầu của khách tham quan. Đặc biệt, Khu du lịch Núi Bà Đen thu hút số lượng lớn khách tham quan, du lịch, hành hương tham gia hội xuân và các lễ hội đầu năm. Lượng khách du lịch giảm 4% nhưng doanh thu du lịch tăng 36% so với CK, phản ánh chi tiêu khách du lịch có xu hướng tăng lên.
Các chính sách về an sinh xã hội chăm lo đời sống cho người dân được quan tâm, Nhân dân trong tỉnh đón Tết trong phấn khởi, vui tươi. Chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, các loại dịch bệnh giảm; vệ sinh an toàn thực phẩm trước và trong những ngày Tết Nguyên đán được kiểm soát chặt chẽ, không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, không để xảy ra điểm nóng trên khu vực biên giới.
2.    Mặt hạn chế
Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới và thu hút đầu tư nước ngoài giảm. 
Đối với hệ thống quản trị dịch vụ công có một số chỉ tiêu chưa xuất được danh sách cụ thể đối với hồ sơ xử lý quá hạn, thủ tục hành chính chưa đồng bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia nên khó khăn trong việc công khai kết quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 26/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung về phát triển đô thị còn chậm. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so cùng kỳ. 
Tội phạm về trật tự xã hội và số vụ tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa làm tốt, vẫn còn tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc.

3.    Nguyên nhân
FDI giảm do bối cảnh kinh tế thế giới chưa ổn định, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Về đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chủ yếu đầu tư trong khu công nghiệp (KCN). Hiện nay, số lượng KCN đang hoạt động ít, các công ty hạ tầng hạn chế hoạt động xúc tiến đầu tư; các vị trí còn lại sẵn sàng kêu gọi đầu tư của các KCN có diện tích nhỏ, không thuận lợi, khó thu hút (chỉ có KCN Phước Đông Bời Lời còn dư địa có khả năng thu hút các dự án đầu tư lớn). Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở tỉnh còn hạn chế, chi phí logistics tăng, nhân lực bắt đầu khó tuyển dụng, thiếu lao động kỹ thuật có chất lượng, lợi thế cạnh tranh về KCN không còn duy trì như trước.
Số lượng doanh nghiệp chậm tăng trưởng. Khoảng 96,6% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ, ngành nghề hạn chế thị trường tiêu thụ, chủ yếu là doanh nghiệp chế biến nông sản đã bão hòa, không còn dư địa phát triển mới; hình thức các trang trại chăn nuôi phụ thuộc vào yếu tố liên kết với các tập đoàn lớn, chủ yếu cho thuê hoặc nuôi gia công, thiếu chủ động nên không thể phát triển nhanh. Trong trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án phải tốn nhiều thời gian xử lý sự phù hợp các quy hoạch nên khả năng được cấp chủ trương đầu tư sẽ chậm, kéo dài thời gian.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự mạnh mẽ trong đó có sự phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan có lúc chưa chủ động, chưa nhất quán; một bộ phận cán bộ, công chức ở một số sở, ngành, địa phương còn đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm trong xử lý, tham mưu.
Một số đề án, đồ án chậm trình, phê duyệt do sự tập trung thực hiện của các đơn vị được giao nhiệm vụ chưa quyết liệt, thủ tục pháp lý và các quy định pháp luật liên quan đến việc lập, phê duyệt tương đối phức tạp, việc giải trình ý kiến các Bộ ngành kéo dài thời gian.
Giải ngân đầu tư công thấp do đa số các dự án đầu tư đủ điều kiện giải ngân quý I chủ yếu là dự án chuyển tiếp đang ở giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng nên có nhu cầu vốn thấp; nhiều dự án mới trọng điểm của tỉnh dự kiến khởi công mới năm 2024 đang thực hiện các bước hoàn thiện hồ sơ dự án, hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà thầu nên chưa ứng vốn thi công được; bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa chủ động bám sát kiểm tra tiến độ thực hiện.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây