I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Về kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 46.427 tỷ đồng, tăng 7,86% so với cùng kỳ (CK) (KH 2024: tăng 7% trở lên). Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 19,0% - 46,2% - 30,4% (KH 2024: 18,9% - 45% - 31,4%).
Tình hình sản xuất nông nghiệp ổn định, diện tích cây trồng xuống giống tăng so với CK; các kế hoạch sản xuất mùa vụ, kế hoạch khuyến nông, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xây dựng và ban hành kịp thời. Tình hình sâu bệnh gây hại chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. Ước diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 237.767 ha, đạt 92,3% so với KH, tăng 0,4% so với CK. Trong đó: cây lúa: 139.073 ha, đạt 94,8% so KH và tăng 1,1% so với CK; mía: 7.651 ha, tăng 9,3% so KH và tăng 6,6% so CK; mì: 57.355 ha, đạt 93,1% so KH và tăng 4% so CK; bắp: 4.949 ha, đạt 97% so KH và tăng 9,1% so CK; đậu phộng: 2.877 ha, đạt 95,9% so KH và bằng 97% so CK. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, từng bước hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt 119,5 ha, tăng 99,5 ha so với CK.
Chăn nuôi và giá sản phẩm chăn nuôi ổn định, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; xu hướng chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn sinh học với 468 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu: thịt heo: 52.191 tấn, đạt 66,9% so KH, tăng 31,2% so CK; thịt trâu: 374 tấn, đạt 55,9% so KH, bằng 97,4% so CK; thịt bò: 2.143 tấn, đạt 28,2% so KH, bằng 99,5% so CK; thịt gia cầm các loại: 49.451 tấn, đạt 79,2% so KH, tăng 14,6% so CK.
Ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung Đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh; Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu; phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; Quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030; Quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu đất công trên địa bàn tỉnh. Tổ chức trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản, đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP của tỉnh. Công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên năm 2024 với khối lượng bảo vệ 66.491 ha rừng giao khoán đến các tổ chức, nhóm hộ, hộ gia đình bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy rừng và chống phá rừng được tăng cường thực hiện, đã xảy ra 10 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là 16,1 ha (tăng 04 vụ so với CK, diện tích cháy tăng 6,9 ha); phát hiện 72 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 29 vụ so với CK).
Quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, đảm bảo công tác cấp nước tưới phục vụ sản xuất. Thực hiện Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia trên trên địa bàn tỉnh, kịp thời cung cấp 127 bản tin, tình hình thiên tai. Đã xảy ra 16 vụ thiên tai, gây thiệt hại 36 căn nhà, 16,18 ha cây trồng bị ảnh hưởng và một số thiệt hại khác, tổng giá trị thiệt hại 669 triệu đồng.
Phê duyệt Quyết định sửa đổi môt số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo hướng dẫn đối với Thị xã Trảng Bàng và Thành phố Tây Ninh. Toàn tỉnh hiện có 65/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 91,5%; trong đó: 25 xã đạt chuẩn nâng cao, 03 xã đạt chuẩn kiểu mẫu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,44%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 7,3%; ngành khai khoáng giảm 15,2%. Hầu hết, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng sản lượng, trong đó một số sản phẩm có mức tăng cao, cụ thể: đường các loại (+24,4%), điện thương phẩm (+17,8%), quần áo các loại (+12,5%), clanke poolan (+11,2%), nước máy sản xuất (+9,9%), vỏ, ruột xe các loại (+7,5%)...; riêng sản lượng xi măng (-3,3%) giảm.
Ban hành Đề án phát triển Khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 -2030, định hướng đến năm 2050. Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn đến năm 2030. Thực hiện thủ tục hồ sơ pháp lý để triển khai các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Tân Phú và cụm công nghiệp Tân Hội 2.
Phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện năm 2024. Chấp thuận chủ trương đầu tư 02 dự án Trạm biến áp 500KV Tây Ninh 1 và đường dây đấu nối; Đường dây 220KV TBA 500KV Tây Ninh 1 - Phước Đông do Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thực hiện. Tính đến 01/9/2024, ngành điện đã cung cấp gần 4.383,4 triệu kWh điện, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Lũy kế 9 tháng đầu năm, bán sang Campuchia 132,7 triệu kWh điện và tiết kiệm được gần 111,5 triệu kWh điện.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,03 tỷ USD, đạt 80,4% so với KH, tăng 12,8% so với CK, trong đó: một số mặt hàng chủ yếu tăng so với CK như: chất dẻo (plastic) nguyên liệu (+68,9%), máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác (+25,9%), sản phẩm mây, tre, cói và thảm (+21,3%), hàng dệt, may (+20,1%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 4,4 tỷ USD, đạt 83% so với KH, tăng 14,3% so với CK.
Lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án xây dựng kho bãi xuất, nhập khẩu, logistic tại Khu kinh tế Cửa khẩu Xa Mát. Ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thành lập Hội bảo về quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tây Ninh. Tình hình cung cầu hàng hóa ổn định, giá cả tăng nhẹ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 88.919 tỷ đồng, đạt 73,5% KH, tăng 11% so với CK; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước thực hiện 70.111 tỷ đồng, tăng 11,3% so CK. Công tác kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa được tăng cường thực hiện, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng. Kết quả công tác kiểm tra thị trường, xử lý vi phạm: kiểm tra 619 vụ, trong đó: 337 vụ vi phạm, xử lý 334 vụ, phạt hành chính 3,8 tỷ đồng, hàng hóa tịch thu 247 triệu đồng.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương năm 2024, cụ thể: ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính Phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững thời gian tới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; tổ chức ký kết Thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV (Saigontourist Group). Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án về du lịch: Các dự án tại Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen; Dự án Bảo vệ và phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại Đảo Nhím - Hồ Dầu Tiếng.
Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi với các chuỗi sự kiện văn hoá - du lịch, lễ hội và chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp như “Hương sắc Tây Ninh”, chương trình “Bình Phước với Tây Ninh – một cung đường 2 điểm đến”, đoàn Famtrip Bình Dương với chủ đề “1 cung đường, 3 điểm đến”, đoàn Famtrip Hà Nội - Tây Ninh, các đoàn Fam/presstrip khảo sát, kết nối du lịch trong tỉnh, các chương trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch giới thiệu sản phẩm du lịch, kết nối tuyến, điểm tham quan giữa các địa phương. Xây dựng, giữ gìn chất lượng sản phẩm, dịch vụ, uy tín gắn với quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh, nâng cao chất lượng để thu hút du khách như triển khai ứng dụng mã QR – mã phản hồi nhanh tại các điểm tham quan du lịch và di tích trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách du lịch thông qua mạng xã hội; 26 chương trình du lịch mới liên kết các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Kết quả, khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách, đạt 81,5% so KH, tăng 7,1% so CK; tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.384 tỷ đồng, đạt 103,7% so KH, tăng 41,7% so CK. Các khu di tích, điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực chỉnh trang cơ sở vật chất và dịch vụ, tăng cường các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 31.218 tỷ đồng, đạt 70,7% so với KH, tăng 6,7% so với CK. Bao gồm: khu vực dân doanh tăng 8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11%, khu vực Nhà nước giảm 11,5% so với CK.
Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các giải pháp, chính sách tín dụng hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, lãi suất cho vay tiếp tục giảm so với đầu năm. Ước đến tháng 9/2024: tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 70.350 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và tăng 10,2% so với CK; trong đó: vốn huy động trên 12 tháng đạt 5.400 tỷ đồng, giảm 8,6% so đầu năm và chiếm 7,7% tổng nguồn vốn huy động. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 104.200 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và tăng 12% so với CK; tỷ lệ nợ xấu 1,7% tổng dư nợ (đầu năm 0,83%).
Ước tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 9.331 tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán, tăng 14,6% CK; trong đó thu nội địa 7.973 tỷ đồng, đạt 80,5% so dự toán, tăng 13,8% so với CK. Tổng chi ngân sách địa phương là 7.696 tỷ đồng, đạt 68,9% dự toán, tăng 8% so với CK.
Thực hiện điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2024 đáp ứng yêu cầu, tiến độ các công trình, dự án cấp bách. Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được giao. Đến ngày 20/9/2024, giải ngân 1.902 tỷ đồng, đạt 45,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 44,7% kế hoạch HĐND tỉnh giao; trong đó: vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 71 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao. Ước giải ngân đến 30/9/2024 là 2.268 tỷ đồng, đạt 54,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 53,4% kế hoạch HĐND tỉnh giao; trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 81,3 tỷ đồng, đạt 65,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao.
Kết quả thực hiện các dự án trọng điểm: Đính kèm theo phụ lục.
Tổ chức Hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 và Chương trình cà phê doanh nhân định kỳ theo kế hoạch. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024, Chương trình xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch năm 2024, Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024, Triển khai trang thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và giám sát đầu tư tỉnh Tây Ninh. Trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết tiêu chí đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Thu hút vốn đầu tư trong nước: ước đạt 6.081 tỷ đồng, bằng 49,6% so với CK, gồm: cấp mới 15 dự án với tổng vốn đăng ký 5.324 tỷ đồng (cùng kỳ 22 dự án, vốn đăng ký 9.743 tỷ đồng); 10 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 757 tỷ đồng; 05 dự án chấm dứt hoạt động với vốn thu hồi 517 tỷ đồng. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 708 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký là 135.941 tỷ đồng; trong đó: 421 dự án đi vào hoạt động với số vốn 75.311 tỷ đồng.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: ước đạt 280 triệu USD, bằng 42,9% so với CK, gồm: cấp mới cho 27 dự án với vốn đầu tư 147 triệu USD (cùng kỳ 23 dự án, vốn đăng ký 211 triệu USD); 17 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 147 triệu USD; 02 lượt dự án điều chỉnh giảm vốn 14,2 triệu USD; 02 dự án nước ngoài chuyển thành dự án trong nước với vốn đăng ký 3,2 triệu USD; 02 lượt góp vốn, mua cổ phần với vốn đăng ký 0,2 triệu USD; 07 dự án chấm dứt hoạt động với vốn thu hồi 69 triệu USD. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 384 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký 9.955 triệu USD, trong đó: 246 dự án đang hoạt động với số vốn 7.919 triệu USD.
Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 597 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 6.344 tỷ đồng, so với CK giảm 7,4% về số doanh nghiệp và tăng 32% về vốn đăng ký. Có 103 doanh nghiệp giải thể với số vốn 1.523 tỷ đồng, tương đương số doanh nghiệp giải thể cùng kỳ. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 8.532 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 207.176 tỷ đồng.
Thành lập mới 07 hợp tác xã (HTX); lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 192 HTX. Tổng số thành viên HTX 39.927 thành viên, tăng 2.520 thành viên so với đầu năm. Số HTX hoạt động hiệu quả 104/174 HTX đang hoạt động, chiếm 59,3%.
Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. Đưa dữ liệu 5 huyện (Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng, TPTN) thuộc Dự án VILG lên phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (tra cứu 02 nền tảng ứng dụng điện thoại di động QuyhoachTayNinh và Cổng thông tin của tỉnh quyhoach.tayninh.gov.vn).
Công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo đúng quy định. Đã thực hiện cấp 124 giấy chứng nhận cho tổ chức với tổng diện tích 320,05 ha; cấp 82.255 giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với diện tích 16.856,28 ha, trong đó cấp 1.465 giấy chứng nhận lần đầu với diện tích 436,06 ha.
Thực hiện rà soát các khu đất nông nghiệp quy mô lớn hết hạn, sắp hết hạn. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 đồng thời với lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 đối với 06 huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu; không thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 đối với Thị xã Hòa Thành, Thị xã Trảng Bàng, Thành phố Tây Ninh.
Công tác cấp phép khai thác, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất được thực hiện đảm bảo theo quy định. Cấp 30 giấy phép khai thác nước dưới đất, 12 giấy phép thăm dò nước dưới đất. Ban hành 41 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Cấp 06 giấy phép thăm dò khoáng sản, 07 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, 04 giấy phép khai thác khoáng sản. Ban hành 04 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng.
Ban hành Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, y tế và các chất ô nhiễm liên quan đến vấn đề về bệnh tật, sức khỏe con người trên địa bàn tỉnh, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 05/2023/QĐ-UBND ngày 02/3/2023 của UBND tỉnh ban hành Bảng đơn giá vận hành trạm quan trắc môi trường tự động, cố định trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường nói không với rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn, Ngày Nước Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam,…Thực hiện giám sát nguồn thải sông, rạch theo kế hoạch bảo vệ môi trường sông, suối, kênh, rạch năm 2024, kịp thời xử lý khi có dấu hiệu ô nhiễm.
Tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành cần ban hành, điều chỉnh, bãi bỏ sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3 và công bố Quy hoạch Vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.
Triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 760/QĐ-TTg ngày 02/8/2024.
Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045.
HĐND tỉnh đã phê duyệt Nghị quyết thông qua Đề án phân loại đô thị thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh là đô thị loại III và Nghị quyết thông qua Đề án phân loại đô thị thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh là đô thị loại III; Nghị quyết thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045; Nghị quyết đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045.
Ban hành Chương trình phát triển đô thị Thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035; Chương trình phát triển đô thị Thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035; Chương trình phát triển đô thị Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đến năm 2030. Phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045; nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu và nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Hòa Thành, Trảng Bàng.
Ban hành các hướng dẫn về quy hoạch chi tiết đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định pháp luật chuyên ngành. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đối với các hoạt động xây dựng không phép, sai phép, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp; tự ý làm đường giao thông, phân lô, bán nền không phù hợp với quy hoạch đô thị, nông thôn, hình thành khu dân cư tự phát.
Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ. Phối hợp với Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) – Công ty Liên danh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) – Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Công ty Cổ phần FPT - nghiên cứu, đề xuất các dự án thuộc các lĩnh vực khu đô thị, logitics, giao thông, giáo dục… phù hợp với quy hoạch và định hướng mời gọi, thu hút đầu tư của tỉnh.
2. Văn hóa, xã hội
Ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, đúng quy chế (tỷ lệ học sinh tốt nghiệp toàn tỉnh vào khoảng 98,8%); Công tác tuyển sinh lớp 10 diễn ra thuận lợi. Các trường cơ bản đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất sẵn sàng cho năm học 2024-2025. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đến tất cả các khối lớp, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa. Tình trạng thiếu giáo viên đã được chỉ đạo khắc phục, cơ bản đảm bảo thực hiện đúng, đủ chương trình GDMN, phổ thông theo quy định.
Phê duyệt Đề án thành lập Trường Cao đẳng Y tế Tây Ninh trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Y tế và trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét quyết định thành lập. Triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn năm 2024. Trình BTVTU và được thống nhất chủ trương thành lập phân hiệu Trường Đại học tại Tây Ninh trên cơ sở tổ chức lại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.
Triển khai thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Cấp 02 Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; công nhận kết quả thực hiện 02 đề tài KH&CN cấp tỉnh; hướng dẫn 14 cơ sở/doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Nghiệm thu và chuyển giao 02 đề tài khoa học cấp tỉnh. Kiểm định 3.206 phương tiện đo, hiệu chuẩn 457 phương tiện đo, kết quả đạt yêu cầu. Thông tin các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh” năm 2024-2025, Hội thảo giới thiệu các sản phẩm, mô hình liên doanh, liên kết và chuyển giao khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Hội thảo khoa học kỷ niệm 45 năm xây dựng và phát triển của ngành khoa học và công nghệ tỉnh Tây Ninh.
Ghi nhận 390 ca mắc bệnh tay chân miệng (giảm 468 ca so với CK), 433 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (giảm 637 ca so với CK), 61 ca sốt phát ban nghi sởi (tăng 58 ca so với CK), không có ca tử vong. Triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 năm 2024. Thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Công tác khám chữa bệnh đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân. Thuốc, hoá chất, vật tư y tế chỉ đáp ứng hơn 80% nhu cầu.
Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công. Ban hành Quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ nhà ở người có công, thân nhân liệt sĩ: xây mới 11 căn, sửa chữa 68 căn với kinh phí 5,63 tỷ đồng. Xây dựng, sửa chữa 189 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng giá trị gần 14 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ đối tượng thuộc hộ gia đình không khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh cho 567 hộ, với 693 người.
Tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hỗ trợ việc làm bền vững tại các huyện, thị xã, thành phố. Giải quyết việc làm tăng thêm cho 13.864 lao động, đạt 86,6% KH; thực hiện công tác tư vấn – giới thiệu việc làm cho 19.203 người. Đào tạo nghề cho 1.446 lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đạt 59% KH; đào tạo nghề cho 620 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từng bước phát triển đi vào chiều sâu, tiếp tục được đổi mới về nội dung lẫn hình thức đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thân thể và nâng cao sức khỏe của các tầng lớp nhân dân. “Nghề làm nhang tỉnh Tây Ninh” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đăng cai tổ chức thành công 15 giải và tham dự 40 giải thể thao cấp tỉnh, cụm, khu vực và quốc gia, đạt 178 huy chương các loại.
3. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phòng, chống tham nhũng
Triển khai Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024; Danh mục thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và Danh mục thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh; Kế hoạch khảo sát dự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thành phố Tây Ninh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và tích hợp lên IOC tỉnh và Cổng cung cấp dữ liệu mở. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 14/9/2024: Số hồ sơ tiếp nhận phải giải quyết là 205.950 hồ sơ, trong đó có 204.277 hồ sơ đã giải quyết: 200.084 hồ sơ trước hạn, đúng hạn (97,15%), 4.193 hồ sơ quá hạn (2,04%); 1.673 hồ sơ hồ sơ đang giải quyết: 1.613 hồ sơ trong hạn (0,78%); 60 hồ sơ quá hạn (0,03%).
Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã đạt được một số kết quả khả quan, tỉnh nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống đo lường truyến EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông; Tây Ninh đạt tỷ lệ 91,98% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trung bình cả nước là 55,5%), 31,24% hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến toàn trình (trung bình cả nước là 17,9%), nếu chỉ tính quý III/2024 thì tỷ lệ này là 56%.
Hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm theo đúng quy định. Ban hành Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2024, đã tổ chức thành công 11 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 799 học viên tham dự. Tổ chức thi tuyển công chức năm 2023, tuyển dụng được 118 công chức bố trí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tổ Kiểm tra công vụ thuộc tỉnh và các cơ quan, đơn vị đã thực hiện kiểm tra là 206 cuộc, trong đó: Tổ kiểm tra công vụ thuộc tỉnh thực hiện kiểm tra công vụ đột xuất 67 cuộc, tập trung kiểm tra đột xuất tại UBND các xã, phường, thị trấn, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp; các cơ quan, đơn vị thực hiện 139 cuộc kiểm tra công vụ; Thực hiện khảo sát thực tế tại 40/94 xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Tây Ninh về việc thực hiện niêm yết công khai thông tin theo quy định Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính theo quy định.
Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn thực hiện, đã thực hiện được 3.116 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với hơn 131.221 lượt người tham gia.
Triển khai Kế hoạch công tác hỗ trợ pháp lý năm 2024; thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng 294 vụ cho 294 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí. Thực hiện 33 đợt, cấp phát 7.920 tài liệu, tờ gấp pháp luật cho 1.685 lượt người tham dự. Tư vấn pháp luật 21 vụ cho 21 người; tư vấn pháp luật tại trụ sở cho 62 lượt người dân. Công tác hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 336 vụ, tổng số vụ đưa ra hòa giải 336 vụ, trong đó: hòa giải thành 316 vụ, đạt tỷ lệ 94%, hoà giải không thành 20 vụ, chiếm tỷ lệ 6%.
Thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 và Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2030” năm 2024.
Thực hiện 58 cuộc thanh tra hành chính (kỳ trước chuyển sang 16 cuộc; 37 cuộc theo kế hoạch và 21 cuộc đột xuất), đã ban hành kết luận 38 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm 25.883 triệu đồng và 46.421 m2 đất, kiến nghị thu hồi 10.148 triệu đồng, kiến nghị khác 15.735 triệu đồng và 46.421 m2 đất, kiến nghị xử lý hành chính đối với 18 tổ chức và 156 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 01 vụ 02 đối tượng.
Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã triển khai 3.008 cuộc, ban hành kết luận 2.989 cuộc đối với việc chấp hành pháp luật của 8.784 cá nhân và 526 tổ chức, phát hiện 433 cá nhân và 64 tổ chức vi phạm, kiến nghị xử lý khác 12 triệu đồng; đã ban hành 94 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 3.301 triệu đồng, số tiền đã thu qua kiến nghị thu hồi và xử phạt vi phạm hành chính là 3.106 triệu đồng (đạt 94%), vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, môi trường, kiểm dịch, y tế.
Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo: Toàn tỉnh đã tiếp 1.405 lượt/1.290 người/1.089 vụ việc; phân loại, xử lý kịp thời 168 đơn khiếu nại, tố cáo đủ điều kiện xử lý. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý là 60 đơn/60 vụ việc (51 đơn khiếu nại, 09 đơn tố cáo), đã giải quyết 34 đơn (27 đơn khiếu nại, 07 đơn tố cáo), đạt 57% trên tổng số thụ lý, số còn lại đang xác minh, xem xét giải quyết.
Triển khai Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; triển khai 296 văn bản tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; tổ chức 752 cuộc tuyên truyền với 18.451 lượt người tham dự. Tổ chức kiểm tra, thanh tra 22 cuộc/22 đơn vị, phát hiện 70 người vi phạm về tiêu chuẩn, định mức, chế độ với số tiền vi phạm phát hiện và xử lý trên 1,14 tỷ đồng; thực hiện chuyển đổi 53/116 trường hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 đối với 39 trường hợp/08 cơ quan đầu mối.
Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của địa phương: khởi tố 01 vụ án, 07 bị can, truy tố 02 vụ/14 bị can; xét xử sơ thẩm 02 vụ/05 bị cáo; xét xử phúc thẩm 02 vụ/08 bị cáo; hiện đang tiếp tục theo dõi 03 vụ/16 người có dấu hiệu tham nhũng đang được xử lý, chưa có kết quả xét xử sơ thẩm; xử lý kỷ luật 02 lãnh đạo, miễn trách nhiệm 02 lãnh đạo; xử lý hành chính 02 vụ/6 người do đã bị Tòa xét xử về hành vi tham nhũng.
4. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được duy trì thường xuyên
Thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, hoàn thành công tác tuyển quân năm 2024 đạt chỉ tiêu ở 03 cấp. Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức Lễ khánh thành đường tuần tra biên giới giai đoạn 2 với 34,93km và Lễ khởi công, xây dựng đoạn 2,9km (từ mốc 143 – 146). Tổ chức diễn tập KVPT huyện Châu Thành đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
Tình hình trật tự an toàn xã hội (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/9/2024): Tiếp nhận 932 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự (tăng 85 vụ so với CK). Trong đó tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tiếp nhận 292 vụ (tăng 87 vụ so với CK), làm rõ 257 vụ 506 đối tượng, đạt 88%.
Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 523 vụ (tăng 59 vụ so với CK), điều tra làm rõ 438 vụ 924 đối tượng, đạt tỷ lệ 83,7%. Tội phạm về cờ bạc xảy ra 55 vụ (giảm 30 vụ so với CK), điều tra khám phá 55 vụ 348 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%. Tội phạm về kinh tế phát hiện 66 vụ 93 đối tượng (tăng 04 vụ so với CK). Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 03 vụ 08 đối tượng (bằng số vụ so với CK), khởi tố 04 vụ 14 bị can. Tội phạm về ma túy phát hiện 219 vụ (giảm 07 vụ so với CK), điều tra làm rõ 219 vụ 418 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%. Tội phạm về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra 61 vụ (tăng 51 vụ so với CK), điều tra làm rõ 7 vụ 20 đối tượng, đạt tỷ lệ 11,5%. Tội phạm về môi trường phát hiện 07 vụ (bằng số vụ so với CK), khởi tố 07 vụ 07 bị can, đạt tỷ lệ 100%. Tội phạm về giao thông tiếp nhận 75 vụ, điều tra làm rõ và khởi tố 75 vụ, 81 bị can, đạt tỷ lệ 100%.
Tai nạn giao thông: Xảy ra 311 vụ, chết 182 người, bị thương 193 người; so với CK: tăng 93 vụ, giảm 15 người chết, tăng 138 người bị thương. Tình hình cháy, nổ: xảy ra 17 vụ cháy (tăng 11 vụ so với CK), không gây thiệt hại về người.
Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, giải quyết tốt công tác bảo hộ công dân và người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Tây Ninh. Triển khai “Đề án phát triển quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc; Việt Nam – Nhật Bản đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hội nghị tổng kết và ký kết hợp tác với 02 tỉnh Svay Riêng, Prey Veng thuộc Vương quốc Campuchia; tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa trường Đại học Inje, Hàn Quốc và trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Tiếp Đoàn cán bộ cấp bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương của Đảng nhân dân Cách mạng Lào, Đoàn các cơ quan đại diện nước ngoài thăm và làm việc tại Tây Ninh…
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Mặt làm được
Hoạt động sản xuất, kinh doanh có xu hướng phục hồi tốt, tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm ước đạt 7,86%. Các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả.
Hầu hết các nhóm ngành sản xuất công nghiệp đều tăng so với CK. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,44%.
Sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định, diện tích cây trồng xuống giống tăng so với CK; các kế hoạch sản xuất mùa vụ, kế hoạch khuyến nông, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xây dựng và ban hành kịp thời. Số lượng đàn chăn nuôi được duy trì và phát triển mạnh. Các hoạt động thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm thực hiện, thu hút các nhà đầu tư chiến lược mang lại giá trị cao cho ngành.
Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách, đạt 81,5% so KH, tăng 7,1% so CK; tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.384 tỷ đồng, đạt 103,7% so KH, tăng 41,7% so CK.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 80,4% so với KH, tăng 12,8% so với CK.
Tổng thu NSNN đạt 84,1% dự toán, tăng 14,6% CK. Trong đó, có các khoản thu tăng đột biến thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực đầu tư nước ngoài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực kinh tế ngoài quốc dân. Có 08/9 huyện, thị xã, thành phố có số thu đạt trên 75% dự toán, trong đó, huyện Gò Dầu đạt 103,9%, vượt dự toán đề ra; huyện Tân Biên đạt 95,8%, huyện Bến Cầu đạt 93%.
Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, định hướng xử lý các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó bổ sung các dự án mới, quan trọng, có tính chất lan tỏa.
Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Việc thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra công vụ tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh góp phần nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật hành chính và tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, các ngành trong tỉnh.
Các chính sách về an sinh xã hội chăm lo đời sống cho người dân luôn được quan tâm nhất là các đối tượng gặp khó khăn, thiếu hoặc mất việc làm.
Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, không để xảy ra điểm nóng trên khu vực biên giới. Công tác đối ngoại được tăng cường.
2. Điểm hạn chế
Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng; một số dự án đầu tư chậm triển khai thực hiện. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm mạnh. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp; vẫn còn tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn.
Tình hình tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiều hướng gia tăng, các loại tội phạm lừa đảo diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi và ngày càng đa dạng; tai nạn giao thông tăng về số vụ và số người bị thương.
3. Nguyên nhân hạn chế
Nguyên nhân khách quan:
Do bối cảnh kinh tế thế giới chưa ổn định, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Tăng trưởng tín dụng chưa cao do mức hấp thụ vốn của nền kinh tế và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản mang tính thời vụ.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm, giải thể còn nhiều do quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, ngành nghề hạn chế thị trường tiêu thụ, chủ yếu là doanh nghiệp chế biến nông sản đã bão hòa.
Một số trong nhiệm vụ Chương trình công tác của Chính phủ, của UBND tỉnh chậm được phê duyệt do các quy định pháp luật liên quan đến việc lập, phê duyệt tương đối phức tạp, việc giải trình ý kiến các Bộ, ngành làm tốn nhiều thời gian.
Công tác đấu thầu thuốc còn bất cập, nhiều mặt hàng thuốc cơ sở y tế đề xuất đấu thầu chưa được đấu thầu do hết hạn giá kế hoạch tại thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Nhiều cơ sở y tế không mua sắm được thuốc trúng thầu do vướng nợ quá hạn, dẫn đến nhà thầu trúng thầu không bán hàng. Một số mặt hàng nhà thầu trúng thầu không cung cấp được do đứt gãy chuỗi cung ứng, thuốc hết hạn số đăng ký nên không nhập khẩu, sản xuất được.
Công tác cải cách hành chính chưa đồng đều, chưa toàn diện, chuyển đổi số còn chậm. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ qua mạng còn thấp do người dân chưa quen các thao tác nộp hồ sơ.
Nguyên nhân chủ quan:
Đầu tư nước ngoài giảm: do doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư trong khu công nghiệp. Hiện nay, số lượng KCN đang hoạt động ít, các công ty hạ tầng hạn chế hoạt động xúc tiến đầu tư; các vị trí còn lại sẵn sàng kêu gọi đầu tư của các KCN có diện tích nhỏ, không thuận lợi, khó thu hút (chỉ có KCN Phước Đông Bời Lời còn dư địa có khả năng thu hút các dự án đầu tư lớn). Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở tỉnh còn hạn chế, chi phí logistics tăng, nhân lực bắt đầu khó tuyển dụng, thiếu lao động kỹ thuật có chất lượng, lợi thế cạnh tranh về KCN không còn duy trì như trước.
Sự phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan có lúc chưa chủ động, chưa nhất quán; tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số sở, ngành, địa phương chưa cao.
Một số chủ đầu tư chủ quan, thiếu quyết liệt trong đầu tư công, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chậm. Bên cạnh đó, năm 2024 có nhiều dự án lớn khởi công mới, đang thực hiện công tác thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự kiến đến quý III mới tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công các gói thầu xây dựng, dẫn đến việc giải ngân của các dự án trọng điểm sẽ dồn vào cuối năm. Một số dự án phải thực hiện điều chỉnh, phát sinh hạng mục, cho phù hợp tình hình triển khai thực tế. Một số dự án chậm triển khai do vướng mặt bằng xây dựng. Ngoài ra, một số nhà thầu thiếu năng lực tài chính.
Ý thức của một bộ phận người dân trong chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông chưa nghiêm; tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương pháp, thủ đoạn hết sức tinh vi gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý; một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy.