Phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận đội ngũ trí thức ở Việt Nam hiện nay

Thứ hai - 04/12/2023 10:08 293 0

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp (tháng 3-2018) _Ảnh: qdnd.vn

NHẬN DIỆN NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC

Các luận điệu sai trái, thù địch về đội ngũ trí thức Việt Nam tập trung ở hai xu hướng cơ bản sau:

Một là, thổi phồng vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số nhà tư tưởng tư sản, nhất là các nhà tư tưởng theo thuyết kỹ trị mới cho rằng hiện nay, sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại đã làm xuất hiện rô-bốt, trí tuệ nhân tạo... Chính những công nghệ hiện đại này đã dần thay thế sức lực của người công nhân, khiến người lao động không còn đóng vai trò quyết định sự phát triển của nền sản xuất nữa. Cũng chính điều này làm xuất hiện một lực lượng lao động mới - công nhân trí thức, hay nói đúng hơn là tạo ra xu hướng trí thức hóa công nhân. Vì thế, theo quan điểm của các nhà kỹ trị mới, hiện nay đội ngũ trí thức chứ không phải giai cấp công nhân như trước kia mới là chủ thể của quá trình sản xuất vật chất, là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của nền sản xuất hiện đại. Cùng với đó, những phần tử cơ hội chính trị ở Việt Nam cũng cho rằng hiện nay trí thức nước ta mới là lực lượng quyết định sự phát triển của đất nước - nhất là trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế như hiện nay.

Hai là, xuyên tạc, phủ nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ trí thức. Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội của các tổ chức phản động đưa ra nhiều luận điệu hết sức phiến diện, quy chụp như “Đảng Cộng sản bỏ ngơ trí thức”. Có đối tượng còn quy chụp rằng ở Việt Nam không có tự do, dân chủ nên đội ngũ trí thức không có cơ hội cống hiến, vì thế trí thức Việt Nam không bao giờ có thể vươn được tầm thế giới! Thậm chí, nhiều tổ chức phản động đã lợi dụng một số trí thức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị để lôi kéo, móc ngoặc những đối tượng này chống đối lại Đảng, Nhà nước, chính quyền. Thời gian gần đây, các lực lượng phản động đã xúc tiến thành lập một tổ chức trí thức Việt Nam ở nước ngoài mang tên "Trí thức Việt”. Cứ mỗi khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội mở rộng việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo các văn kiện, quy định, luật; tổ chức này lại nhân danh những trí thức Việt Nam yêu nước gửi những “góp ý”, “tâm thư”. Lời lẽ bề ngoài thì tỏ ra quan tâm đến tương lai, vận mệnh của dân tộc nhưng thực chất là những ý định ngông cuồng, phi lý, đòi thay đổi Điều 4 của Hiến pháp, hay nói cách khác là phải xóa độ chế độ một đảng lãnh đạo để tiến hành chế độ đa đảng như nhiều nước phương Tây!

Có thể thấy rõ, hai luồng quan điểm trên - hoặc là thổi phồng vai trò của trí thức Việt Nam, hoặc là xuyên tạc, phủ nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta với đội ngũ trí thức tuy có những luận điệu sai trái khác nhau nhưng cùng có mục tiêu chung là tách rời đội ngũ trí thức với Đảng, Nhà nước. Đây là âm mưu thâm độc nhằm chống phá trực diện vào Đảng, vào chế độ.

ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Có thể thấy rõ, đội ngũ trí thức Việt Nam được hình thành và rèn luyện trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với giai cấp công nhân -  nông dân làm nòng cốt của cách mạng, đội ngũ trí thức nước ta luôn trung thành với lợi ích của cách mạng, Tổ quốc và nhân dân.  Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”(2). Do đó, Người luôn coi trí thức là “vốn liếng quý báu của dân tộc” và căn dặn Đảng là phải có biện pháp lôi kéo trí thức đi theo và ủng hộ để gia tăng sức mạnh cho mình.

Đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp vào sự phát triển công nghiệp, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới và các giải pháp đột phá cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ở một số lĩnh vực trọng yếu, nhiều trí thức có năng lực, trình độ khoa học tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, tạo động lực phát triển, nâng cao năng suất, có khả năng giúp quốc gia cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường quốc tế, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế quốc gia

Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Đội ngũ trí thức nước ta có tinh thần yêu nước, có lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Do đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm và đề cao vai trò của đội ngũ trí thức trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định: Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Trí thức Việt Nam có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, luôn gắn bó với sự nghiệp lớn của đất nước, của nhân dân. Từ khi có Đảng, đội ngũ trí thức Việt Nam có đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước; xác định, giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong quá trình đổi mới. Cùng với đó, vai trò của đội ngũ trí thức với sự phát triển đất nước ngày càng được thể hiện rõ.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lần thứ VII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(3). Đây là đánh giá khách quan, toàn diện của Tổng Bí thư về vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Có thể nhận thấy quan điểm nhất quán từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Đảng Cộng sản Việt Nam là đều coi trọng đội ngũ trí thức, coi họ là thành phần không thể thiếu trong lực lượng tham gia cách mạng cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đội ngũ trí thức Việt Nam thời gian qua không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, luôn tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào thực tiễn; là lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”(4). Để thực hiện được nhiệm vụ này, Đại hội XIII xác định cần “có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài... Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”(5)

Đánh giá về những đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam thời gian qua, mới đây, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (tháng 10/2023), Đảng ta đã nhận định: Đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp vào sự phát triển công nghiệp, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới và các giải pháp đột phá cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ở một số lĩnh vực trọng yếu, nhiều trí thức có năng lực, trình độ khoa học tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, tạo động lực phát triển, nâng cao năng suất, có khả năng giúp quốc gia cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường quốc tế, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế quốc gia(6).

Tuy nhiên, không phải vì vai trò to lớn đó mà có thể thổi phồng, tuyệt đối hóa vai trò của trí thức nước ta trong giai đoạn hiện nay. Điều đó bắt nguồn từ những sai lầm cả về lý luận và thực tiễn. Trí thức không phải là một giai cấp, không gắn với một phương thức sản xuất nhất định và vì thế, cũng không thể đại diện cho một lực lượng sản xuất ở một giai đoạn. V.I.Lênin đã từng chỉ rõ: “Nếu không nhập cục với một giai cấp thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi”(7). Điều này có nghĩa là, trí thức không thể tồn tại với tính cách là một giai cấp độc lập trong xã hội như công nhân, nông nhân mà họ chỉ có thể phát huy được sức mạnh của mình khi liên minh với các giai cấp khác. Do đó, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, dù xuất hiện rô-bốt, người máy thông minh hay trí tuệ nhân tạo - sản phẩm phát triển của trí tuệ con người nhưng điều đó cũng không có nghĩa là trí thức có thể trở thành chủ thể của quá trình sản xuất vật chất vì trí thức không gắn trực tiếp với một phương thức sản xuất nhất định. Có chăng, trí thức chỉ có thể thúc đẩy quá trình sản xuất hiện đại phát triển theo hướng gia tăng ngày càng nhiều hàm lượng trí tuệ cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu vật chất của con người.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến trí thức không chỉ thể hiện qua việc đánh giá đúng vị trí, vai trò của đội ngũ này mà với tinh thần thẳng thắn, khách quan, Đảng ta cũng đánh giá những hạn chế, bất cập của đội ngũ trí thức cũng như công tác phát triển đội ngũ trí thức nước ta thời gian qua. Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Đảng ta chỉ rõ, công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước còn những hạn chế, khuyết điểm như: cơ cấu, số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức còn bất hợp lý trong các ngành nghề, khu vực. Thiếu cơ chế về tài chính để các hội trí thức chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được hoàn thiện đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách đầu tư, huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, các nhà khoa học đầu ngành. Ngoài ra, thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tính chủ động trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo đối với đội ngũ trí thức còn hạn chế. Một số cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII

Hội nghị cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên trước hết là do nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức chưa triệt để, trách nhiệm chưa cao. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ trí thức chưa đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả. Một bộ phận trí thức chưa chủ động, trông chờ, ỷ lại, né tránh, ngại bày tỏ chính kiến, thiếu gương mẫu, năng lực, phẩm chất, uy tín hạn chế, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước ảnh hưởng đến niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với đội ngũ trí thức. Do đó, cần phải tiếp tục ban hành một nghị quyết mới về phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của tình hình mới với tên gọi “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Điều đó tiếp tục khẳng định bước phát triển không ngừng trong tư duy của Đảng ta về phát huy vai trò đội ngũ trí thức đối với sự phát triển đất nước.

Có thể khẳng định, đội ngũ trí thức Việt Nam đã và đang có đồng hành tích cực và có những đóng góp to lớn vào sự phát triển đất nước. Điều đó một mặt là nỗ lực, ý thức trách nhiệm của chính bản thân đội ngũ trí thức đối với vận mệnh của dân tộc, song mặt khác cũng do sự quan tâm, tạo điều kiện không nhỏ của Đảng, Nhà nước với đội ngũ này. Vì vậy, những luận điệu sai trái về trí thức cũng như xuyên tạc, phủ nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ trí thức nước ta là những luận điệu phiến diện, có ý đồ quy chụp, chống phá nên rất cần nhận diện cho đúng để đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng.

TS. Lê Thị Chiên

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây