Sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022

Thứ ba - 19/07/2022 23:00 207 0
Sáng ngày 19/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai công tác tư pháp 6 tháng cuối năm.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Phạm Văn Đặng - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị, cùng với các lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp, phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.



Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Thời gian qua, ngành Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, có giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, trả lời 304 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương, trong đó, có 131 kiến nghị được gửi qua các báo cáo sơ kết 6 tháng và 33 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 08 đề nghị xây dựng văn bản và 78 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 236 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 142 đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và 2.218 dự thảo VBQPPL; các Phòng Tư pháp thẩm định 1.432 dự thảo VBQPPL.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng cả nước đã tổ chức 274.268 cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 20 triệu lượt người; tổ chức 2.996 cuộc thi cho 2,5 triệu lượt người dự thi; phát miễn phí hơn 25 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021). Qua báo cáo của địa phương về công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021, đến nay có 9761 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 93,7%); một số địa phương có 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Cả nước tiếp nhận hơn 60.135 vụ việc hòa giải (tăng hơn 2,9% so với cùng kỳ năm 2021), trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt 74,4%, góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổng số phải thi hành 731.917 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 541.575 việc; đã thi hành xong là 348.490 việc, đạt tỉ lệ 64,35% (tăng 0,42% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã tiếp nhận, thực hiện 29.082 vụ việc trợ giúp pháp lý, tăng 3.368 vụ việc (tăng 13,10% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó số vụ việc tham gia tố tụng tiếp nhận, thực hiện 25.213 vụ việc, tăng 2.376 vụ việc (tăng 10,40% so với cùng kỳ năm 2021), chiếm 86,70% tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý.

Các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác hộ tịch đã tạo chuyển biến rõ nét, đạt được kết quả bước đầu. Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung ghi nhận có đã có hơn 26,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh; hơn 3,9 triệu hồ sơ đăng ký khai tử; hơn 113 nghìn trường hợp nhận cha mẹ con; hơn 14 nghìn trường hợp đăng ký giám hộ; hơn 12 nghìn trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; hơn 28 nghìn trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu các địa phương tập trung công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ, thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tăng cường thanh tra kiểm tra và tham mưu tổ chức thực hiện những việc thuộc chức năng nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Kịp thời tháo gỡ, linh hoạt điều chỉnh, bảo đảm tính khả thi phù hợp, hiệu quả. Với truyền thống của ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hy vọng toàn ngành sẽ đạt kết quả tốt hơn nữa, cố gắng thực hiện tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

ML


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây