Giám đốc Sở Y tế Trương Văn Hùng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có lãnh đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang hết sức phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn công tác tiêm chủng vắc-xin dự phòng bệnh. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang cảnh báo về sự gia tăng các ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi khi trên thế giới đã ghi nhận hơn 300.000 ca mắc, tăng 30 lần so với năm 2023; đầu năm 2024, nhiều quốc gia đã ghi nhận tình trạng gia tăng bệnh truyền nhiễm.
Tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch bệnh trong nước đã được tăng cường, nhiều dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, trước bối cảnh chung của thế giới, Việt Nam vẫn còn ghi nhận nhiều ca mắc các bệnh có vắc-xin dự phòng như ho gà, sởi; trong nước vẫn ghi nhận hàng trăm nghìn trường hợp mắc và tử vong do sốt xuất huyết; đặc biệt, đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A (H5N1) và trường hợp đầu tiên mắc cúm A (H9N2), nhiều địa phương đã xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ và bệnh dại.
Thời điểm hiện tại đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi thất thường cùng với tình hình giao thương, du lịch tăng cao nên tình hình dịch bệnh vẫn đang còn nhiều diễn biến phức tạp. Trước hình hình đó, Chính phủ và Bộ Y tế cũng đã có công điện, chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh với phương châm “Phòng bệnh từ sớm, từ xa”.
Đến ngày 07/4/2024, toàn quốc ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó khu vực miền Nam ghi nhận 7.500 ca (chiếm 74,1%) và có trên 90% số trẻ mắc dưới 5 tuổi. Về tình hình sốt xuất huyết, toàn quốc ghi nhận 14.542 trường hợp, giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2023), khu vực miền Nam ghi nhận trên 8.100 ca (chiếm 56,1%), khu vực miền Trung ghi nhận trên 4.700 ca (chiếm 32,9%). Trong năm 2024, cả nước cũng ghi nhận 130 ca mắc bệnh sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023; ghi nhận 118 ca mắc bệnh ho gà, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Tây Ninh, theo thống kê báo cáo từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 104 trường hợp mắc tay chân miệng; 233 trường hợp mắc sốt xuất huyết; 01 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại; 01 trường hợp mắc bệnh não mô cầu; 01 ổ bọ chét chó, mèo tại ấp Thanh Trung, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên; không ghi nhận trường hợp mắc bệnh Covid-19, đậu mùa khỉ và bệnh viêm phổi nặng do virus.
Dự báo tình hình các dịch bệnh có xu hướng tăng do biễn biến thời tiết thay đổi, ngành y tế Tây Ninh tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống các dịch bệnh, tiếp tục quản lý các ca bệnh và xử lý các nguồn gây bệnh, kiểm soát các nguồn lây nhiễm, khống chế lây lan và bùng phát dịch trên địa bàn.
Sau báo cáo, các đơn vị Trung ương và địa phương cũng chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo an ninh y tế của quốc gia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ Trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan phát biểu kết luận Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương tiếp tục đề cao vai trò và trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tăng cường hiệu quả của thông tin, truyền thông nhằm khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật; triển khai thực chất và hiệu quả các biện pháp chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh.
V.K