Bản sắc không thể mập mờ, lịch sử không thể xuyên tạc

Thứ năm - 14/12/2023 14:37 131 0
Thời gian gần đây, bám vào một số sự kiện văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) gây ồn ào trên không gian mạng, nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại và các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội có tư tưởng thù địch ra sức cổ xúy cho cái gọi là “nói khác”, “nói ngược”...

Ảnh minh họa.

Họ kích động rằng, muốn nổi tiếng thì các tác giả phải “nói khác”, “nói ngược” trong lao động nghệ thuật. Thực chất, đó là chiêu bài nguy hiểm nhằm kích động, lôi kéo môi trường VHNT đi ngược lại định hướng của Đảng.

THẤY GÌ TỪ THÁI ĐỘ ÁM CHỈ, BÓNG GIÓ

Lợi dụng đời sống VHNT để truyền bá tư tưởng phản động, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc... không phải là thủ đoạn mới mẻ gì. Nó xuất hiện, tồn tại lâu nay và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, khai thác nhằm kích động, lôi kéo công chúng. Những năm gần đây, khi không gian mạng trở thành một “thế giới thứ hai” của đời sống con người và xã hội, âm mưu, thủ đoạn lợi dụng VHNT, thị trường giải trí để chống phá đất nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa của các thế lực thù địch lại càng diễn biến phức tạp. Để tạo hiệu ứng đám đông, họ sẵn sàng dựng lên một “mẫu hình” nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng từ những đối tượng cực đoan, bất mãn, suy thoái... và ra sức tô vẽ thành “thần tượng” để dụ dỗ, lừa bịp công chúng. Chẳng hạn một nhà văn Việt Nam suy thoái tư tưởng, đã rời bỏ Tổ quốc ra nước ngoài sinh sống, lại được Viện Hàn lâm Pháp trao cho cái giải thưởng văn học hồi tháng 4 vừa qua là một ví dụ. Từ chuyện này, một số tổ chức truyền thông có tư tưởng thù địch với Việt Nam ở hải ngoại đã thực hiện các chiến dịch tô vẽ “thần tượng”; xuyên tạc môi trường VHNT trong nước, bôi xấu, hạ bệ những nhà văn yêu nước. Họ tuyên truyền rằng, văn nghệ sĩ Việt Nam muốn nổi tiếng, muốn thành danh thì phải học cách “nói ngược”, “nói khác” với quan điểm, chủ trương của Đảng. Họ suy diễn về tự do sáng tạo, về tư duy “khai phóng”, vượt khỏi những rào cản, định kiến để vươn tầm quốc tế...

Nhìn lại những diễn biến chính của đời sống VHNT trong thời kỳ đổi mới, nhất là giai đoạn gần đây, chúng ta thấy rõ những dấu ấn đột phá của hội nhập. Nhờ đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hội nhập theo định hướng của Đảng mà đời sống VHNT có sự khởi sắc đáng ghi nhận. Chẳng hạn ở lĩnh vực điện ảnh. Nhiều đạo diễn Việt kiều nổi tiếng trở về nước làm phim, mang đến luồng gió mới. Nhiều bộ phim có giá trị nội dung, nghệ thuật tốt, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc; phản ánh đậm nét những góc nhìn cận cảnh về lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc; ca ngợi vẻ đẹp đất nước, nền văn hóa, con người Việt Nam... thông qua những lát cắt điển hình, được đông đảo công chúng hào hứng đón nhận. Thành quả đó đã tạo động lực, khích lệ văn nghệ sĩ trong nước phải vượt lên, tự đổi mới, làm mới bản thân để cạnh tranh với các đồng nghiệp Việt kiều và các sản phẩm quốc tế nhập khẩu.

Tuy nhiên, sự hội nhập của VHNT cũng là môi trường được các thế lực thù địch, thông qua truyền thông và không gian mạng, gieo rắc, lèo lái tư tưởng phản động, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Cách đây 10 năm, khi còn sống, nhà văn Lê Văn Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân, đã nhấn mạnh rằng, điều ông và các nhà văn đã từng lăn lộn qua chiến tranh lo ngại nhất chính là sự xuất hiện của thái độ “ám chỉ” trong sáng tác VHNT. Lợi dụng vào tính hư cấu của VHNT, không ít tác giả đã bày tỏ khuynh hướng sáng tạo đi ngược lại quan điểm, đường lối của Đảng bằng kiểu ám chỉ, do họ bị tiêm nhiễm, kích động, ảnh hưởng bởi các luồng tư tưởng thù địch từ bên ngoài. Hệ lụy của lối tư duy “ám chỉ” đó là một số văn nghệ sĩ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, rời bỏ quê hương ra nước ngoài sinh sống, sử dụng chính ngòi bút, vốn sống, cảm xúc nội tại để “nói ngược”, “viết ngược”, làm phương hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Thậm chí, đã có một số ít nghệ sĩ nổi tiếng, bị lôi kéo tham gia vào những bộ phim có nội dung xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bóp méo, bôi đen hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh...

Nếu như trước đây, cách nói, cách viết, cách thể hiện nhân vật theo lối “ám chỉ” được thể hiện một cách trực cảm, trực giác... thì nay, trước làn sóng dư luận đa chiều, họ cổ xúy kiểu thái độ bóng gió, mập mờ... Với hình thức thể hiện này, trong không ít tác phẩm VHNT, bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái vùng miền, lịch sử quê hương, đất nước hiện lên méo mó, lai căng, biến dạng. Trên phương diện luật pháp, rất khó để bắt bẻ kiểu tư duy bóng gió, mập mờ này. Nhưng, dưới góc nhìn của công tác tư tưởng-văn hóa, khi mỗi thứ lệch lạc đi một chút, mỗi thứ méo mó, lai căng đi một chút... thì hệ lụy lâu dài đối với văn hóa dân tộc và tương lai thế hệ trẻ là rất khó lường...

Thời gian gần đây, trong đời sống VHNT và thị trường giải trí xuất hiện một số tác phẩm có biểu hiện như vậy. Dư luận truyền thông thể hiện những góc nhìn đa chiều. Những tranh cãi nổ ra không chỉ trên các diễn đàn không gian mạng mà còn kéo theo sự vào cuộc của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, phân tích, mổ xẻ dưới nhiều góc nhìn, góc độ khác nhau. Thậm chí, trong một số trường hợp, những ồn ào trên không gian mạng về vấn đề này còn trở thành chủ đề trên bàn nghị sự của Quốc hội.

TỪ THỊ HIẾU THẨM MỸ ĐỂ ĐẾN BẢN LĨNH THẨM MỸ

Nhìn vào những diễn biến đời sống văn hóa, VHNT mỗi khi có tác phẩm, sản phẩm gây “sốt”, chúng ta thấy rõ những tác động toàn diện của hiệu ứng không gian mạng. Nó thể hiện rõ tính hai mặt của một vấn đề. Thứ nhất là, hội chứng đám đông từ những cơn “lên đồng” tập thể, nó có thể tạo sức hút vô cùng mạnh mẽ kéo theo mọi thứ, mọi thành phần trong dòng chảy ấy vào cuộc. Nếu đó là một khuynh hướng tốt, có ích cho đời sống xã hội, phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc, sẽ rất có lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá những giá trị tốt đẹp đến với người dân và du khách quốc tế. Nhưng, nếu đó là một sản phẩm có chứa đựng yếu tố gây hại, sự mập mờ trong quan điểm nghệ thuật giống như một loại virus gây bệnh, xâm nhập vào tư duy, thị hiếu của công chúng, nguy hiểm khôn lường. Thứ hai là, chính nhờ hiệu ứng mạnh mẽ của không gian mạng sẽ giúp các tác giả và giới chuyên gia, nhà quản lý nhìn nhận vấn đề dưới những góc nhìn đa chiều, từ đó có sự sàng lọc, thẩm định, định hướng sáng tạo theo quan điểm của Đảng.

Trong những năm tới, đất nước ta có nhiều ngày lễ lớn, trong đó có kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và đại lễ mừng 50 năm đất nước thống nhất. Trên lĩnh vực văn hóa, VHNT, các thế lực thù địch đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền, tung ra các sản phẩm xấu độc; sử dụng truyền thông và không gian mạng cổ xúy, lôi kéo các tác giả “nói ngược”, “nói khác” nhằm bóp méo, bôi đen, làm méo mó hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và lịch sử đấu tranh cách mạng. Họ sử dụng các phương thức ám chỉ, bóng gió, mập mờ, so sánh Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh với các thành phố lớn đã và đang xảy ra xung đột vũ trang trên thế giới... để xuyên tạc lịch sử, văn hóa vùng đất Nam Bộ và cuộc đấu tranh của đồng bào Nam Bộ, góp phần to lớn giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là những biểu hiện nguy hiểm nhằm kích động hận thù dân tộc, âm mưu chia tách lịch sử, văn hóa Nam Bộ ra khỏi nền văn hóa và lịch sử dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Một trong những biểu hiện phổ biến hiện nay là họ cổ xúy, ca ngợi công lao của Nguyễn Ánh (Chúa Nguyễn, Vua Gia Long), coi nhân vật “cõng rắn cắn gà nhà” trong lịch sử dân tộc như là một “anh hùng”, “cụ tổ” của lịch sử, văn hóa Nam Bộ. Đáng tiếc là đã có một số người trong giới sáng tác có biểu hiện dao động, bị cuốn theo lối tư duy này nên trong một số tác phẩm VHNT, đã thổi phồng, thần thánh hóa công lao, che mờ tội của Chúa Nguyễn (Vua Gia Long), làm sai lệch lịch sử, làm mập mờ, méo mó sắc thái văn hóa và bản chất tốt đẹp của con người Nam Bộ. Từ góc nhìn sai lệch về nhân vật này, các thế lực thù địch áp dụng lối tư duy liên tưởng để dụ dỗ, dẫn dắt công chúng hiểu sai lệch lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân Nam Bộ.

Để tạo tiềm lực văn hóa tinh thần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, VHNT, chúng ta phải bám sát quan điểm của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ: “Chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại”...; “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ”... Như vậy, giải pháp căn bản và lâu dài là chúng ta phải chủ động nâng cao sức đề kháng, nói cách khác chính là củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Muốn định hướng thị hiếu thẩm mỹ, phải xây dựng được bản lĩnh thẩm mỹ. Với chức năng hướng đến “chân, thiện, mỹ”, dù thể hiện dưới góc nhìn nào thì trong đời sống văn hóa, VHNT, bản sắc dân tộc là giá trị không thể mập mờ, cương thổ quốc gia, lịch sử dân tộc là giá trị không thể xuyên tạc, đảo ngược.

Quy luật sàng lọc, tiếp thu, tiếp biến và đào thải của văn hóa chính là cán cân công bằng, là thước đo công tâm để khẳng định giá trị đích thực của tác phẩm, sản phẩm VHNT. Những người làm văn hóa, đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa và giới chuyên gia thẩm định chất lượng sản phẩm VHNT các cấp cần bám sát tính quy luật, nhất quán quan điểm của Đảng để đưa ra những nhận xét, nhận định, dự báo; từ đó có giải pháp định hướng dư luận và định hướng sáng tạo, lao động nghệ thuật một cách đúng đắn. Không nên bị dẫn dắt bởi dư luận đám đông dẫn đến “đẽo cày giữa đường”, tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá, cũng không nên chỉ dựa vào các quy định của pháp luật để bày tỏ chính kiến một cách cực đoan, võ đoán, máy móc.../.

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây