Bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau

Thứ năm - 10/08/2023 09:50 536 0
An sinh xã hội là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Ðảng và Nhà nước ta đã được quán triệt, bảo đảm thực hiện trong các thời kỳ phát triển của đất nước. Những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công tác an sinh xã hội ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành quả tích cực, chính sách không ngừng cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ðại diện Mặt trận Tổ quốc huyện Châu Ðức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), chính quyền xã Bàu Chinh và nhà tài trợ bàn giao nhà cho gia đình bà Lê Thị Mụn.

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động không ngừng thực hiện những âm mưu, thủ đoạn nhằm chống phá Ðảng, Nhà nước, hòng phủ nhận những thành quả và nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

 

Các đối tượng triệt để lợi dụng một số vấn đề kinh tế - xã hội có tác động đến đời sống người dân như: tình trạng bất ổn của giá xăng dầu, tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19, hiện tượng lạm dụng chức vụ, quyền hạn của một số cán bộ, công chức gây hậu quả nghiêm trọng,... từ đó công kích, tuyên truyền xuyên tạc để chống phá chính sách thuế, phí, chính sách an sinh xã hội, hạ thấp uy tín, năng lực điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Các đối tượng rêu rao rằng “bức tranh kinh tế trong nước rất ảm đạm”, “đời sống người dân Việt Nam nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, người lao động thì cạn tiền lại mất việc”... Từ đó các đối tượng phản động quy chụp rằng, có tình trạng trên là do “hệ lụy” của công tác lựa chọn, quản lý cán bộ yếu kém, do chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước không đủ nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội...

Trước hết, phải thấy rằng, những khó khăn trong cuộc sống của người dân và nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 là tình trạng chung không thể tránh khỏi với nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ đối với riêng Việt Nam. Tình trạng lạm phát, người dân phải thắt chặt chi tiêu, giá hàng hóa, nhiên liệu liên tục tăng, tác động sâu rộng đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi người dân... là hệ quả tất yếu của thị trường chung toàn cầu.

Chính phủ Việt Nam đã kịp thời có những giải pháp, chính sách nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh thuế, phí liên quan đến xăng dầu... Một số hiện tượng lạm dụng chức vụ quyền hạn dẫn đến vi phạm pháp luật của một số cán bộ trong đại dịch COVID-19 là do sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và đang được xử lý nghiêm minh.

Trong bối cảnh đó cần ghi nhận những nỗ lực của Ðảng, Nhà nước ta nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn, bảo đảm đời sống nhân dân, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch, thậm chí vượt qua GDP của một số nước phát triển.

Nhiều chỉ số quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện và vươn lên trên các bảng xếp hạng quốc tế, như Top 30 các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022; xếp vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); cùng hàng loạt các chỉ số không ngừng được tăng cao như chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), chỉ số các nước an toàn nhất, chỉ số Quốc gia hạnh phúc, v.v.

Những chỉ số này cho thấy, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá tích cực về Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Bất chấp khó khăn, thách thức, Việt Nam đang từng bước phục hồi mạnh mẽ, sự tăng trưởng về kinh tế góp phần thúc đẩy, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm thực hiện tốt những chính sách an sinh xã hội của Ðảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho những người yếu thế ổn định cuộc sống.

Các chính sách an sinh xã hội được triển khai với nhiều nội dung vượt chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Chẳng hạn, có 5/26 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn (nhà ở cho người có công, trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, tỷ lệ đi học đúng tuổi, bảo hiểm y tế, tiêm chủng mở rộng); 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020 (tiêu biểu như: mức trợ cấp người có công; thất nghiệp chung; thất nghiệp thành thị; giảm nghèo chung; giảm nghèo tại các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo; trợ giúp xã hội đột xuất; trẻ em đi học trung học cơ sở đúng tuổi; người biết chữ từ 15 tuổi...).

Bên cạnh đó, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam cũng liên tục tăng trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020... đã cho thấy một thực tế đáng ghi nhận là mức sống, sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam không ngừng được nâng lên. Những kết quả trên đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang có những bước phát triển vững mạnh, vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, chính sách an sinh xã hội đã và đang được triển khai sâu rộng và toàn diện.

Bất chấp thực tế đó, các đối tượng chống phá thù địch cố tình lờ đi và không ngừng đưa ra những luận điệu xuyên tạc năng lực quản lý, điều hành và vai trò của chính sách an sinh xã hội của Ðảng, Nhà nước, như việc quy kết “Nhà nước bỏ mặc dân nghèo tự lo”, “chế độ an sinh xã hội ở Việt Nam có chiều hướng thụt lùi”... Cần khẳng định rằng, an sinh xã hội là một chủ trương quan trọng, xuyên suốt của Ðảng và Nhà nước ta và ngày càng được thực hiện sâu rộng, toàn diện.

Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, những năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác an sinh xã hội, trong đó, phải kể đến chính sách xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều nhằm bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân, hướng tới hỗ trợ toàn diện cho người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống. Việt Nam cũng hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Những năm gần đây, nhiều chương trình mục tiêu vì người nghèo nhận được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và thu được những kết quả thiết thực. Tiêu biểu như chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”; phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”... được triển khai những năm qua đã góp phần chăm lo giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Theo thống kê sơ bộ, trong giai đoạn 2020-2022, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng thời phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch, song Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và thực hiện an sinh xã hội được hơn 19.313 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Vì người nghèo 4 cấp vận động được hơn 3.865 tỷ đồng, vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương hơn 15.448 tỷ đồng.

Từ nguồn vận động, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 102.910 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hơn 2,4 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khám, chữa bệnh; giúp đỡ 593.034 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ 663.771 lượt người phát triển sản xuất.

Cùng với chính sách vì người nghèo, nhiều chính sách an sinh xã hội khác cũng được thực hiện tốt. Theo số liệu từ Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện nay cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 3 triệu đối tượng; trong đó hơn 1,8 triệu người cao tuổi; 1,1 triệu người khuyết tật; 49 nghìn trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi... Gần 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng; 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, khoảng 10 nghìn người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội, 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu.

Hàng trăm các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc người khuyết tật, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người tâm thần và trung tâm công tác xã hội hoạt động hiệu quả. Trong đó, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ cho người lớn và trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%, số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm một tỷ lệ 19,3%, người già cô đơn chiếm tỷ lệ 10,3%, trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS chiếm tỷ lệ 1,4%. Công tác cứu trợ, hỗ trợ thiên tai được thực hiện tốt… Có thể thấy, những hoạt động này đã thể hiện được bản chất nhân văn, dân chủ, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, thể hiện sự nỗ lực và những kết quả tích cực của Ðảng, Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội.

Những nỗ lực trong công tác an sinh xã hội thời gian qua cũng cho thấy sự chung tay, góp sức của toàn dân, của các cá nhân, tổ chức, các nhà hảo tâm và của chính những người dân. Do đó, thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội không phải chỉ là trách nhiệm của Nhà nước như các thế lực thù địch vẫn rêu rao, mà đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Theo đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức thực hiện và phát huy vai trò, kêu gọi trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức, các nhà hảo tâm và cả cộng đồng trong bảo đảm thực hiện an sinh xã hội. Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền lợi và nghĩa vụ trong tham gia thực hiện an sinh xã hội. Ðiều này vừa thể hiện tính dân chủ, vừa phát huy được tối đa nguồn lực vật chất, tinh thần, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân. Ðó là điều kiện quan trọng để góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, những người yếu thế trong xã hội được trợ giúp và bảo đảm ổn định cuộc sống./.

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây