Trong chặng đường dài gần một thế kỷ đó, lịch sử đất nước ta đã ghi dấu nhiều mốc son rạng rỡ gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khi thực hiện sứ mạng của đất nước, nhân dân tin cậy giao cho.
Những dấu son không bao giờ phai ấy là: Với sự khai sinh và rèn luyện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chỉ sau 15 năm từ khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công trên khắp cả nước, giành lại độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân thoát khỏi gông xiềng của thực dân, phát xít, phong kiến.
Sau đó là ròng rã 30 năm trường kỳ kháng chiến, Đảng lãnh đạo nhân dân ta, quân đội ta đánh thắng liên tiếp hai đế quốc mạnh nhất nhì trên hoàn cầu trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại. Rồi ngay sau ngày hoà bình, thống nhất đất nước năm 1975, Đảng tiếp tục lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, giữ vững biên cương ở hai đầu phía Tây Nam và phía Bắc đất nước.
Mười năm sau nữa, Đảng khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước gần 40 năm qua cho đến ngày nay. Liên tục dòng chảy lịch sử đó, Tổ quốc ta đi từ chỗ “chưa có tên trên bản đồ thế giới” đầu thế kỷ XX đến chỗ “chưa có bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hôm nay” đầu thế kỷ XXI, như lời người đứng đầu Đảng ta, người đốt lò vĩ đại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Hoà trong mạch nguồn cách mạng của Đảng ta có dòng chảy lịch sử của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh. Cũng trong 94 năm qua, các thế hệ đảng viên của Đảng bộ tỉnh nhà có quyền tự hào về sự tiếp thu ánh sáng của Đảng, của những hạt nhân cách mạng trong tỉnh ngay từ những năm đầu tiên mà dấu tích còn lưu giữ ở Giồng Nần, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành.
Từ đó, toàn Đảng bộ không ngừng rèn luyện, phấn đấu và từng bước lớn mạnh, trưởng thành trong quá trình lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà tham gia kháng chiến, bảo vệ an toàn khu căn cứ kháng chiến của Trung ương Cục đứng chân trên địa bàn tỉnh trong thời chiến, bảo vệ và xây dựng, đổi mới, phát triển khu vực địa đầu biên giới Tây Nam của Tổ quốc trong thời bình, đưa nền kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trong tỉnh từng bước đi lên, từ điểm xuất phát gần như không có gì cho đến nay đã được đánh giá “Tây Ninh chưa phải là tỉnh giàu, nhưng không còn là tỉnh nghèo” với thành tích liên tục nhiều năm là một trong những địa phương giảm nghèo đến mức thấp nhất cả nước (năm 2023 toàn tỉnh chỉ còn 517 hộ nghèo, chiếm 0,17% tổng số hộ dân), theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến làm việc tại Tây Ninh cuối năm 2023 vừa qua.
Cũng theo lời người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Đảng bộ và Nhân dân Tây Ninh cần nhận thức và phát huy “thế mạnh địa chính trị” của mình - thế mạnh của một tỉnh có gần 234km đường biên giới, 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia và 10 cửa khẩu phụ, để đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch tỉnh nhà thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khen ngợi là “hay và sát” với không gian hoạt động kinh tế - xã hội được xác định theo “Ba vùng kinh tế, bốn trục động lực và bảy đột phá phát triển”.
Ba vùng đó là:
1. Vùng đô thị công nghiệp: Gồm thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu là vùng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó tâm phát triển của vùng 1 là tam giác Trảng Bàng - Phước Đông - Gò Dầu.
2. Vùng đô thị văn hoá, dịch vụ và du lịch: Gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành. Vùng 2 là trung tâm hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ là chủ đạo, phát triển đô thị có tính lan toả, kết nối với hồ Dầu Tiếng.
3. Vùng đô thị sinh thái và cảnh quan: Gồm huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu. Đây là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hoà Hội, sông Vàm Cỏ Đông.
Trong các vùng kinh tế xác định 3 trọng điểm:
-Trọng điểm 1: Cụm đô thị thành phố Tây Ninh - thị xã Hoà Thành là cụm đô thị trung tâm của tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo, văn hoá, tôn giáo và trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh...
-Trọng điểm 2: Cụm đô thị Trảng Bàng - Gò Dầu - Phước Đông là cụm đô thị động lực của vùng phía Nam tỉnh, là đầu mối giao thương quan trọng trên tuyến hành lang Xuyên Á, là khu vực cửa ngõ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh của tỉnh...
-Trọng điểm 3 phát triển dọc sông Vàm Cỏ Đông, là khu vực phát triển đô thị sinh thái, phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven sông, là khu vực chú trọng nâng cao chất lượng môi trường sống, hình thành sức hấp dẫn dân cư, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao của tỉnh.
Bốn trục động lực là:
-Trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và quốc lộ 22, 22B là hành lang phát triển Nam - Bắc chính của tỉnh.
-Trục số 2 gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 22 là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông - Tây, kết nối với quốc lộ 13, 14 tới sân bay Long Thành.
-Trục số 3 gắn với tuyến đường Đất Sét - Bến Củi - Bến Cầu là tuyến vành đai trung chuyển hàng hoá các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đi Campuchia, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các nút giao với đường cao tốc đi qua tỉnh và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.
-Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781 là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia cho vùng đô thị trung tâm tỉnh.
Cùng với 4 trục động lực này, Quy hoạch tỉnh còn xác định vành đai an sinh xã hội gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng bằng sông Cửu Long qua tỉnh Long An và Tây Nguyên qua tỉnh Bình Phước.
Để thực hiện quy hoạch “3 vùng - 4 trục” trên, Quy hoạch tỉnh xác định phải tổ chức “7 đột phá phát triển”. Đó là: 1.-Phát triển hạ tầng, 2.- Phát triển nguồn nhân lực, 3.- Đột phá về thể chế, 4.- Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, 5.- Phát triển bền vững Tây Ninh xanh, 6.- Phát triển du lịch và 7.- Phát triển kinh tế dịch vụ.
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện sự đúc rút kinh nghiệm qua nhiều thế hệ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà. Đồng thời cho thấy một bước tiến mới trong lãnh đạo và định hướng phát triển quê hương trong tương lai của thế hệ lãnh đạo đương nhiệm của Đảng bộ tỉnh trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, xứng đáng là một tỉnh nằm trong khu vực trọng điểm phát triển năng động của cả nước, phát huy được “thế mạnh địa chính trị” của tỉnh và xứng đáng với vị trí kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam và thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia, vươn ra khu vực Đông Nam Á.
Qua chuyến thăm và làm việc tại Tây Ninh, xem xét quá trình lãnh đạo và xây dựng Quy hoạch mới của tỉnh trước thềm sự kiện trọng đại mừng Đảng 100 năm thành lập 1930-2030, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã mượn lời Bài ca xây dựng “đường lớn đã mở đi tới tương lai” để nhắn nhủ Tây Ninh “ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay” và phải hết sức nỗ lực để thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh, vì lẽ “không có cái gì từ trên trời rơi xuống”.
Mùa xuân Giáp Thìn này đã là năm 2024, chỉ còn cách năm 2030 hơn một nhiệm kỳ. Hướng đến thời điểm lịch sử vinh quang cao cả Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 100 năm tuổi, toàn Đảng, toàn dân tỉnh nhà quyết tâm tăng tốc “từ ngày hôm nay” để những mục tiêu “hay và sát” trong Quy hoạch tỉnh sớm trở thành hiện thực trong đời sống xã hội, cuộc sống người dân Tây Ninh.
Theo baotayninh.vn