(Ảnh minh hoạ)
1. Bao trùm trên diện tích khoảng 54.600km2, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, Tây Nguyên là vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng 2,2 triệu người (chiếm 15,6% dân số cả nước năm 2019)(1). Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, Tây Nguyên ngày càng phát triển ổn định, bền vững; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy; hệ thống giáo dục được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố; chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường... Sự ổn định và phát triển của Tây Nguyên đã góp phần hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước vẫn ráo riết lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Ý đồ lâu dài, không thay đổi của các thế lực thù địch là phủ nhận những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, địa phương; phá hoại khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo trên địa bàn; làm suy giảm niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tiến tới “bạo loạn” và hướng đến thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga” trên địa bàn Tây Nguyên.
Các tổ chức phản động lưu vong dưới sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống phá vào địa bàn; củng cố tổ chức, phục hồi hoạt động Fulro, “Tin lành Đề-ga”, lôi kéo, kích động người dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài. Đặc biệt, chúng liên tục sử dụng vỏ bọc để phát triển nhiều điểm nhóm, các tổ chức núp bóng danh xưng tôn giáo, như Giáo hội Tin lành đấng Cờ-rít Việt Nam, Hội thánh Tin lành đấng Cờ-rít Tây Nguyên, tà đạo(2) nhằm che giấu bản chất phản động, đánh lừa nhận thức của quần chúng.
Chúng tập trung tuyên truyền, móc nối, lôi kéo một số người dân tộc thiểu số ở trong và ngoài nước nhằm tạo dựng “ngọn cờ” tập hợp lực lượng; lợi dụng sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội, như Tiktok, Facebook, Instagram, Twitter, Wechat, Youtube,... để lập ra nhiều “diễn đàn” khác nhau, có diễn đàn công khai đối lập với đường lối của Đảng và Nhà nước; có diễn đàn ẩn dưới danh nghĩa bảo vệ quyền “tự do tôn giáo”, “dân chủ” cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; có diễn đàn chuyên đăng tải thông tin sai lệch ở Tây Nguyên để chống phá chính quyền.
Chúng thổi phồng những vấn đề dân tộc thiểu số nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ các thế lực bên ngoài. Triệt để lợi dụng và đẩy mạnh việc chính trị hóa, quốc tế hóa các vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm gây mất ổn định xã hội, tạo sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Lợi dụng các diễn đàn quốc tế, các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, hạn chế quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo; vu cáo chính quyền “ức hiếp”, “xua đuổi” người dân tộc thiểu số khi họ vượt biên trái phép; vu khống chính quyền Việt Nam bắt giam, ngược đãi những người “bất đồng chính kiến”, các “chức sắc” và “tín đồ tôn giáo”, ngăn cấm “quyền tự do ngôn luận”, “trao đổi thông tin”,... Đặc biệt, vụ khủng bố chống chính quyền nhân dân xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk (ngày 11/6/2023) cho thấy các thế lực thù địch đã thay đổi phương thức hoạt động từ biểu tình gây rối sang hoạt động tàng trữ vũ khí quân dụng bất hợp pháp, xây dựng cơ sở ngầm, hành động manh động, tấn công bất ngờ, dã man.
2. Từ tình hình trên, để ổn định tình hình tư tưởng và đời sống nhân dân, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống hiệu quả âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên để chống phá cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng. Chăm lo xây dựng, củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong xã hội, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo. Chủ động, thường xuyên tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả âm mưu, thủ đoạn móc nối, xâm nhập, lôi kéo chống phá, can thiệp, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm cho hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở luôn ổn định, vững mạnh; không để xảy ra các “điểm nóng”, biểu tình, bạo loạn.
Chủ động phát hiện, ngăn chặn các nhân tố gây nguy cơ mất ổn định, không để các thế lực thù địch lợi dụng, gây bức xúc trong nhân dân, kích động biểu tình phản đối Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”, Luật biên giới quốc gia và các nghị định, chỉ thị về tăng cường an ninh tuyến biên giới... Bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn và các tỉnh biên giới của Lào, Campuchia thực hiện các biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành động xây dựng căn cứ, lực lượng, tổ chức huấn luyện ở khu vực biên giới, đưa người xâm nhập nội địa,... để chuẩn bị gây bạo loạn chính trị, bạo loạn ly khai, bạo loạn vũ trang của các thế lực thù địch, phản động.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TTXVN)
Thường xuyên củng cố trận địa tư tưởng, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tuyệt đối không để các thế lực thù địch mua chuộc, lôi kéo. Đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên “gần dân, hiểu dân, trọng dân và vì dân”; củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo.
Hai là, xây dựng, củng cố tổ chức đảng các cấp trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Xây dựng, củng cố tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thường xuyên kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là cấp tỉnh và cấp cơ sở, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, bảo đảm số lượng, chú trọng chất lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Phấn đấu xây dựng thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ; tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, rèn luyện, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, tính chiến đấu của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, không dao động trong bất kỳ tình huống nào. Đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cấp ủy viên có trình độ, năng lực lãnh đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết; có uy tín, khả năng vận động, thuyết phục đồng bào. Thường xuyên chăm lo phát triển đảng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, bảo đảm chất lượng.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tiếp tục vận dụng, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Tập trung giải quyết các mặt bất cập, hạn chế, bức xúc của nhân dân về đất đai, việc làm, thu nhập và mâu thuẫn nội bộ... Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền, đoàn thể và công tác vận động quần chúng.
Ba là, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh toàn diện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp. Củng cố, kiện toàn HĐND, UBND các cấp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, xã, phường, thị trấn; quy định của Hiến pháp năm 2013,... phù hợp với đặc điểm, yêu cầu địa bàn Tây Nguyên. Ngoài các nguyên tắc, nội dung chung, cần nâng cao chất lượng công tác dân vận, gần dân, sát dân, tăng cường pháp chế, quản lý nhà nước về an ninh chính trị; nắm chắc tình hình, phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời, tại chỗ các vấn đề có nguy cơ dẫn đến bất ổn, “điểm nóng”,... để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá.
Xây dựng quy chế phối hợp công tác chặt chẽ giữa UBND với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Định kỳ tiếp công dân theo lịch, kết hợp với các tổ chức đoàn thể nắm tình hình, phát hiện vấn đề phức tạp, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền... Xây dựng mối quan hệ gắn bó, củng cố lòng tin của đồng bào đối với chính quyền, để bất cứ điều gì đồng bào cũng phản ánh với chính quyền, cán bộ; chính quyền, cán bộ nói thì đồng bào tin và làm theo. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền các cấp.
Ủy ban nhân dân kịp thời cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy cùng cấp thành chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện, nhất là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 152/NQ-CP, ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành "Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tập trung giải quyết, tháo gỡ những vấn đề “nóng”, bất cập của địa phương, lĩnh vực. Tăng cường quản lý, điều hành thực hiện các chương trình, dự án kinh tế - xã hội, nhất là chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, dự án xây dựng “điện, đường, trường, trạm”, bảo đảm an sinh xã hội, đất sản xuất, đất ở, việc làm,... nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo.
Bốn là, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn Tây Nguyên. Tiếp tục kiện toàn Mặt trận Tổ quốc các cấp; chú trọng cơ cấu dân tộc, tôn giáo, bảo đảm quy tụ được những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng tộc, trưởng các dòng họ,...). Coi trọng xây dựng, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch phải là người thực sự tiêu biểu, trung tâm đoàn kết.
Quan tâm chăm lo xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phát huy vai trò xung kích trong các phong trào hành động cách mạng, các cuộc vận động ở địa phương, không để tổ chức phản động xâm nhập, nắm, lôi kéo thanh niên. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn, ưu tiên thanh niên dân tộc thiểu số, không để địa phương, cơ sở “trắng” tổ chức đoàn, “trắng” đoàn viên. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt đoàn thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, đặc thù địa bàn Tây Nguyên, gắn với hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội. Phát huy vai trò của hội cựu chiến binh, tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn. Động viên hội viên làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tích cực tham gia công tác quân sự, quốc phòng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, làm nòng cốt trong phòng, chống biểu tình, bạo loạn trên địa bàn.
Thắm tình quân dân. (Ảnh: TTXVN)
Phát huy vai trò của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả 5 chương trình công tác trọng tâm và 2 chương trình do Trung ương Hội phát động. Tuyên truyền bằng hình thức phù hợp, thiết thực, nâng cao nhận thức; phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; xóa bỏ quan niệm lạc hậu đối với phụ nữ. Vận động phụ nữ tham gia các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, bổ túc văn hóa, bồi dưỡng nâng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hội Nông dân, xây dựng chương trình hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ tập quán lạc hậu cho hội viên. Tăng cường phát triển kinh tế hộ gia đình; nhân rộng mô hình các câu lạc bộ khuyến nông, làm vườn, trồng rừng, chăn nuôi, giúp nhau làm kinh tế... Tuyên truyền, vận động hội viên phát hiện, đấu tranh với các phần tử phản động, xuyên tạc, lôi kéo nông dân khiếu kiện, biểu tình, gây rối... Công đoàn, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò của công đoàn trong quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật; phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo; quản lý không để đoàn viên tham gia biểu tình, đình công trái phép; tích cực tham gia phòng, chống bạo loạn chính trị, bạo loạn ly khai.
Năm là, nắm chắc địa bàn, xử lý hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Cơ quan quân sự phối hợp với công an, biên phòng và các đơn vị đứng chân trên địa bàn thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, xác minh, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xử lý hiệu quả hoạt động chống phá của các tổ chức phản động, tôn giáo chống đối chính trị, các thế lực thù địch; ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái phép, vượt biên, di cư tự do; giải quyết kịp thời tranh chấp về đất đai, ô nhiễm môi trường. Theo dõi, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hoạt động kêu gọi biểu tình của các tổ chức phản động; tiến hành giáo dục, cảm hóa, đấu tranh với đối tượng hoạt động vượt biên, hoạt động Fulro, các loại tà đạo. Thực hiện nghiêm Luật phòng, chống khủng bố năm 2013; Nghị định số 07/2014/NĐ-CP, ngày 27/1/2014 của Chính phủ “Quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp”. Rà soát các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh, xử lý ngay từ khi mới manh nha, không để bùng phát thành điểm nóng. Đẩy nhanh tiến độ giao đất, khoán rừng, tổ chức lại sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo việc làm ổn định, giúp đồng bào an cư lạc nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo.
Nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá cách mạng trên địa bàn Tây Nguyên là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Việc đề xuất giải pháp đúng, khả thi và chủ động tham gia thực hiện hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào bảo vệ địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững./.
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử