Lấy ý kiến dự thảo Tờ trình và Nghị quyết quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản

Thực hiện Công văn số 2830/UBND-KTTC ngày 15/11/2018 của UBND tỉnh về việc tham mưu điều chỉnh mức thu phí Bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản. Công văn có nội dung: “Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh mức thu phí Bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của Trung ương để tránh làm thất thu ngân sách trong lĩnh vực này”.

Bắt đầu lấy ý kiến 16/01/2019
Kết thúc lấy ý kiến 15/02/2019
Thể loại Nghị quyết
Lĩnh vực Tài nguyên khoáng sản
Đơn vị soạn thảo Sở Tài nguyên và Môi trường

Nội dung

TỜ TRÌNH

Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh

 


Kính gửi:  Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

                               

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh tại Công văn số 2830/UBND-KTTC ngày 15/11/2018 của UBND tỉnh về việc tham mưu điều chỉnh mức thu phí Bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản. Công văn có nội dung: “Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh mức thu phí Bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của Trung ương để tránh làm thất thu ngân sách trong lĩnh vực này”.

Sở Tài nguyên và Môi trường kính trình UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, như sau:

I. Sự cần thiết để ban hành Nghị quyết:

1. Căn cứ pháp lý:

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Phí và lệ phí năm 2015.

Căn cứ Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định khung giá tối đa, tối thiểu dẫn đến mức thu phí bảo vệ môi trường;

2. Cơ sở thực tiễn

- Ngày 04/8/2009 của UBND tỉnh có ban hành Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND về việc Ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Quyết định này được ban hành trên cơ sở quy định Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về phí Bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Sau 06 năm thực hiện Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND ngày 04/8/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã góp phần tích cực thực hiện các quy định về công tác quản lý khoáng sản, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành; các đơn vị khai thác đã thực hiện tốt nghĩa vụ đóng góp với ngân sách Nhà nước, bình quân hàng năm thu nộp ngân sách từ 5,8 tỷ đến 6,5 tỷ đồng.

Nhưng Nghị định số 63/2008/NĐ-CP được thay thế bởi Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Đến ngày 19/02/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thay thế Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, căn cứ pháp lý đã thay đổi, nên Quyết định phải điều chỉnh lại căn cứ pháp lý cho phù hợp.

Đến ngày 24/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 164/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thay thế Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Trong đó, một số mức phí có thay đổi so với quy định trước đây và đề nghị HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể mức thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ. Do đó, cần quy định mức thu phí khai thác khoáng sản theo phân cấp của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

3. Nguyên tắc trình:

- Đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật NSNN; Pháp lệnh phí và lệ phí.

- Trình mức thu phí khai thác khoáng sản trong khung quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ, tham khảo một số tỉnh lân cận trong khu vực và trên cơ sở ý kiến tham gia của các Ngành, các huyện, thành phố.

- Trình ban hành Nghị quyết mới thay thế quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

II. Quá trình xây dựng văn bản:

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh tại Công văn số 2830/UBND-KTTC ngày 15/11/2018 của UBND tỉnh về việc tham mưu điều chỉnh mức thu phí Bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản. Công văn có nội dung: “Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh mức thu phí Bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của Trung ương”, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo xong Tờ trình và Nghị Quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh

- Sở Tư pháp đã có báo cáo thẩm định số .../BC-TĐ ngày .../     /2019 về dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện Tờ trình, trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh quyết định.

III. Nội dung trình:

1. Phí bảo vệ môi trường:

a. Đối tượng áp dụng : Các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

b. Mức thu phí (Phụ lục kèm theo)

d. Quản lý và sử dụng :

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường và Luật ngân sách nhà nước, theo các nội dung cụ thể sau đây:

- Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản;

- Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;

- Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

- Nơi có hoạt động khai thác khoáng sản quy định tại khoản này là nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản theo địa bàn quản lý của cấp xã và cấp huyện.

2. Hiệu lực thi hành

Trình Nghị quyết có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua và thay thế quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tại Nghị quyết số 17/2009/NQ-HĐND ngày 16/7/2009 của Hội đồng nhân tỉnh Tây Ninh.

IV. Cơ sở xây dựng phí Bảo vệ môi trường :

Khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là khoáng sản phi kim loại như: đất san lấp, sét gạch ngói, đá xây dựng, than bùn, đá vôi, nước khoáng thiên nhiên.

- Cát xây dựng, đất san lấp: đề xuất mức thu tối đa tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP, do số lượng mỏ hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng nhiều, đến nay gần 48 giấy phép khai thác khoáng sản đất san lấp, 13 giấy phép khai thác cát xây dựng phân bố trên nhiều huyện, dẫn đến khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra tăng, nên đề xuất mức thu phí bảo vệ môi trường áp dụng mức thu tối đa tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP, cụ thể cát xây dựng (gồm cát vàng, cát trắng): 5.000 đồng/m3; đất san lấp: 2.000 đồng/m3.

- Đối với sét gạch ngói: Nhằm khuyến khích việc sử dụng gạch không nung thay cho gạch từ đất sét nung, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước và lợi ích doanh nghiệp đang sản xuất gạch từ đất sét nung trong giai đoạn đầu của lộ trình đưa vào sản xuất, đảm bảo khai thác tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn dự trữ tài nguyên quốc gia, đề xuất mức thu phí bảo vệ môi trường tối đa là 2.000 đồng/m3.

- Đối với các loại khoáng sản còn lại áp dụng mức thu giá trị trung bình đối với mức thu tối đa, mức thu tối thiếu tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP, ví dụ: Cuội, sạn, sỏi: = (mức thu tối đa + mức thu tối thiểu)/2 = (4.000 + 6.000)/2 =  5.000 đồng/m3. Do số lượng mỏ khoáng sản không nhiều, nhưng cũng cần nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, từ đó hạn chế khai thác khoáng sản một cách tràn lan, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Khuyến khích sự quản lý của chính quyền ở địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản được chặt chẽ hơn; góp phần hạn chế lãng phí tài nguyên khoáng sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh chấp thuận./.

 File đính kèm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây