An toàn giao thông cho người đi bộ

Thứ hai - 17/11/2014 00:00 120 0
Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn 1,2 triệu người chết do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, trong đó khoảng 22% số người tử vong là người đi bộ. Riêng tại Việt Nam, số người đi bộ tử vong vì TNGT chiếm khoảng 14 % trong tổng số các vụ TNGT. So với các nước phát triển thì tỉ lệ người đi bộ chết vì TNGT cao hơn từ 4-6%.

 

 

Ngoài nguyên nhân do ý thức của người đi bộ chưa cao, vấn đề thiếu hệ thống hạ tầng giao thông như vỉa hè, cầu vượt bộ hành … dành cho người đi bộ chưa được quan tâm mà chỉ tập trung ưu tiên xây dựng hạ tầng cho giao thông cơ giới, thậm chí nhiều cổng trường học, bệnh viện không có chỗ dành cho người đi bộ sang đường. Chính điều này đã khiến cho tình trạng người đi bộ tham gia giao thông vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Ủy ban an toàn giao thông (UBATGT) quốc gia đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng địa phương tích cực xử lý các vi phạm liên quan đến lấn chiếm vỉa hè, đường dành cho người đi bộ, đồng thời tiến hành chỉnh trang lại biển báo hiệu, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người đi bộ tham gia giao thông an toàn.

Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người đi bộ, đồng thời cảnh báo các nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người đi bộ và biện pháp phòng tránh tai nạn khi đi bộ, tạo các điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông để bảo đảm an toàn cho người đi bộ, hướng dẫn người đi bộ sang đường đúng quy định, chấp hành tín hiệu đèn giao thông, tăng cường xử phạt vi phạm đối với người đi bộ, xử phạt người điều khiển xe cơ giới không chấp hành quy định nhường đường cho người đi bộ. Theo Luật Giao thông đường bộ đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, quy định quy tắc giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông, người đi bộ phải tuân thủ quy tắc quy định tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Khi tham gia giao thông, người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc về giao thông đường bộ). Tại Điều 9 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, quy định đối với người đi bộ khi tham gia giao thông không đi đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với hành vi mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. Ngoài ra, mức phạt tiền cao nhất mà Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định lên đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

T.Giang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây