Tuổi trẻ chung tay góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông

Thứ ba - 11/11/2014 00:00 143 0
Tai nạn giao thông và những thiệt hại do tai nạn gây ra đang là nỗi lo và vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Đó là thiệt hại về sinh mạng, thiệt hại về nhân lực, trí tuệ, gây tổn thương về tinh thần xã hội, về vật chất, tiền của và cả nỗi đau thể xác, tinh thần dai dẳng. Điều ấy đã và đang đặt ra cho toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ tuổi trẻ hơn bao giờ hết phải nêu cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm để chung sức kiềm chế, đẩy lùi những nguy cơ trên.

Thanh niên Tây Ninh diễu hành tuyên truyền về an toàn giao thông

Hiện nay, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. Việc mua sắm xe máy, xe mô tô đối nhiều gia đình là không quá khó. Tuy nhiên, nhiều gia đình, nhiều bậc phụ huynh cũng vì nuông chiều con cái cho điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi. Đã có học sinh đi xe máy đến trường, trong khi biết rõ mình chưa đủ tuổi và đã vi phạm luật an toàn giao thông. Những học sinh đó được cha mẹ cho điều khiển xe một cách tự do và rất thoải mái. Họ tụ tập đi chơi xa, những học sinh nam lạng lách đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu vẫn diễn ra. Cụ thể, trong tháng 10.2014, lực lượng CSGT tỉnh đã lập biên bản xử phạt 133 trường hợp chạy xe rú ga, quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, tạm giữ 37 xe mô tô.

            Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm, đáng tiếc xảy ra, trong đó có không ít các bạn thanh, thiếu niên là nạn nhân hoặc là thủ phạm gây ra các vụ tai nạn giao thông. Điển hình, trên địa bàn tỉnh, trong tháng 10 năm 2014, độ tuổi gây ra tai nạn chủ yếu là thanh thiếu niên, trong đó dưới 18 tuổi 01 vụ, từ 18-27 tuổi 05 vụ, từ 27 trở lên là 10 vụ tai nạn giao thông. 

Thanh, thiếu niên là một lực lượng đông đảo có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã - hội của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “ Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần là do thanh niên”.

Vậy chúng ta phải làm gì để nêu cao tinh thần hành động của tuổi trẻ học đường, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.      

            Trước hết, chúng ta nên tham gia học tập luật giao thông đường bộ ở trường, ở lớp. Ngoài ra mỗi người phải tìm hiểu, nắm vững các luật lệ và qui định đảm bảo an toàn giao thông.

Đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh qui định về an toàn giao thông.  Phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; Không dàn hàng, dùng ô khi đi xe đạp, xe máy; không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đúng chỗ qui định, khi rẽ hoặc dừng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu cho người sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã 3, ngã tư. Đi bộ sang đường đúng qui định, tham gia giúp đỡ người già yếu, người tàn tật và trẻ em qua đường đúng qui định.

Góp phần xây dựng nhiều tuyến phố, nhiều con đường xanh – sạch - đẹp; xây dựng nhiều con đường giao thông nông thôn; bảo vệ, giữ gìn và xây dựng nhiều công trình giao thông công cộng...

Bên cạnh đó, lực lượng học sinh, sinh viên, thanh niên hãy giương cao khẩu hiệu: “Văn hóa giao thông, đồng hành tuổi trẻ”, “Văn hoá giao thông là không tai nạn”, “Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”, “Xây dựng xã hội giao thông văn minh, đầy tình người và không tai nạn”...Cần tuyên truyền luật an toàn giao thông, trao đổi với người thân trong gia đình, tham gia các hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông đến tất cả mọi người, tham gia các đội thanh niên tình nguyện về an toàn giao thông.

Ngoài ra, để hạn chế việc vi phạm khi tham gia giao thông trong thanh, thiếu niên, cần áp dụng nhiều giải pháp một cách đồng bộ. Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức về văn hóa giao thông cần luật hóa các hình thức xử phạt, nâng thật cao mức phạt tương ứng với mỗi hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Tức là một mặt vừa vận động tuyên truyền, giáo dục; một mặt khác phải xử lý bằng pháp luật để mang tính răn đe nhằm tạo thói quen tự giác tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Một trong những việc cấp thiết nhất hiện nay là phải đặt vị trí giới trẻ làm trọng tâm của chiến dịch tuyên truyền ATGT.

An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, có tri thức….cần có những suy nghĩ và hành động đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, chúc các bạn sinh viên khi tham gia giao thông đều an toàn.

Tại Tây Ninh, trong 10 tháng đầu năm 2014 toàn tỉnh xảy ra 213 vụ TNGT, làm chết 107 người, bị thương 181 người. So cùng kỳ 2013 giảm 111 vụ, giảm 04 người chết, giảm 187 người bị thương.

MN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây