Quang cảnh Hội thảo |
Dự Hội thảo có các đại biểu đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đại học Luật Hà Nội và đại diện các tỉnh: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái.
9 ý kiến tham luận và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ về thực trạng tội phạm mua bán người, tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em; việc lợi dụng các chính sách nhân đạo của Nhà nước như chính sách cho nhận con nuôi, xuất khẩu lao động, hôn nhân có yếu tố nước ngoài để thực hiện hành vi buôn bán người, buôn bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Hội thảo còn đề cập đến các vấn đề chuẩn mực quốc tế về phòng, chống mua bán người; kinh nghiệm lập pháp hình sự của các nước về tội phạm mua bán người, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em... Đồng thời, tập trung phân tích những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm thuộc lĩnh vực này trong các quy định hiện hành, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phòng, chống mua bán người.
Qua phân tích những bất cập của Bộ luật hình sự về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Điều 119, 120 của Bộ luật hình sự là hết sức cần thiết, không những khắc phục những khiếm khuyết nội tại của hai điều luật này; đồng thời để phù hợp giữa pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế về chống buôn bán người, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống loại tội xâm phạm nghiêm trọng quyền con người.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã tán thành với ý kiến đề nghị: (1) Bộ luật hình sự cần nghiên cứu để ghép tội mua bán người với tội mua bán trẻ em thành một điều luật quy định về tội mua bán người. Tách tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em tại Điều 120 Bộ luật hình sự hiện nay thành các tội danh độc lập có chế tài xử lý phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng loại hành vi, bởi hiện nay Điều 120 Bộ luật hình sự đang quy định 03 hành vi phạm tội với động cơ, mục đích khác nhau, nhưng lại có chung một khung hình phạt là không hợp lý. Quy định này đã gây không ít khó khăn cho việc xác định chính xác tội phạm và quyết định hình phạt cũng như xác định đúng các tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm. (2) Cần bổ sung một số tình tiết tăng nặng định khung như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn; vì mục đích vô nhân đạo; tái phạm nguy hiểm; phạm tội đối với người thân thích; phạm tội đối với trẻ em; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. (3) Bổ sung yếu tố cấu thành tội phạm về thủ đoạn của tội mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em như: dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, cưỡng ép dưới bất kỳ hình thức nào, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương, đưa, nhận tiền hoặc lợi ích khác để đạt được sự đồng ý của người có quyền kiểm soát đối với người khác (trường hợp đối tượng bị buôn bán là trẻ em dưới 18 tuổi thì không cần yếu tố này). (4) Sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể thực hiện Điều 119, 120 của Bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. (5) Bộ Tư pháp cần tổ chức Hội thảo chuyên sâu bàn về khái niệm của tội mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, để sớm có khái niệm đồng nhất giữa Bộ luật hình sự của Việt Nam với Nghị định thư phòng, chống buôn bán người (Nghị định thư được Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 15-11-2000, có hiệu lực từ ngày 25-12-2003), góp phần hạn chế khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện...
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp đánh giá cao các ý kiến tham luận và sự tham gia trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 119, 120 Bộ luật hình sự của các đại biểu dự Hội thảo, đặc biệt là sự đóng góp ý kiến chất lượng từ các đại biểu địa phương. Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo cơ bản làm rõ những vướng mắc, bất cập của thực tiễn về thực trạng tội phạm mua bán người, tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em; giúp Bộ Tư pháp tổng hợp, đề xuất Ban soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo, góp phần sửa đổi, bổ sung, xây dựng Bộ luật hình sự hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Theo http://noichinh.vn