Cần sớm hiện thực hóa các kiến nghị đơn giản hóa TTHC

Thứ ba - 18/05/2010 00:00 62 0

Các kiến nghị đơn giản hóa TTHC cần phải sớm được hiện thực hóa để đi vào cuộc sống và kiểm nghiệm xem cuộc sống chấp nhận như thế nào.

Giai đoạn 2 của Đề án 30 kết thúc và đã thu được những kết quả quan trọng, bước đầu giải quyết được các bức xúc nổi cộm của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các TTHC. Tuy nhiên, các kết quả này được thực tiễn cuộc sống chấp nhận như thế nào mới là vấn đề quyết định sự thành công của Đề án 30 và đây cũng là sự trông đợi của người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã cho biết về kết quả thực hiện giai đoạn 2  Đề án 30 và những yêu cầu đặt ra cho giai đoạn tới.

 Nâng cao niềm tin của nhân dân

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, các TTHC là công cụ để quản lý Nhà nước nhưng công cụ đó phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Vì vậy, muốn có một công cụ quản lý tốt phù hợp với sự phát triển, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thì TTHC đó không chỉ đơn giản là giảm thiểu chi phí thực hiện mà còn thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Mục tiêu lớn nhất của Đề án 30 là đơn giản hóa và hủy bỏ những TTHC không hợp pháp, hợp lý, không cần thiết nhằm lành mạnh hóa hoạt động của nền hành chính quốc gia, dần dần chấm dứt sự phiền hà, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, đang cản trở sự phát triển chung của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay chúng ta đã thực hiện thành công giai đoạn 2 của Đề án 30. Báo cáo kết quả rà soát của 24 bộ, ngành, 63 tỉnh thành trong cả nước cho thấy đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả rà soát và kiến nghị đơn giản hóa TTHC của giai đoạn 2 được thực hiện trên cả 2 tiêu chí quan trọng là giảm tối thiểu 30% số TTHC và cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC.

Qua thống kê, hầu hết các tỉnh thành, bộ, ngành đều có tỷ lệ cắt giảm TTHC vượt chỉ tiêu 30% . Theo đó, chi phí tuân thủ TTHC được cắt giảm mỗi năm ước trên 30.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng giúp cho người dân và doanh nghiệp đầu tư và tái sản xuất, nhưng “quan trọng hơn là sẽ tiếp tục nâng cao niềm tin của nhân dân với bộ  máy nhà nước và nền hành chính quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.

Nhiều địa phương, bộ, ngành đã thực hiện rất thành công và đạt hiệu quả cao như Bộ Tài chính, Bộ LĐ, TB&XH, Bộ Ngoại giao, Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT và các địa phương như Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đăk Lăk, Thừa Thiên Huế...

Để có những thành quả trên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở các địa phương, bộ máy tổ chức của mỗi bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là vai trò đôn đốc thường xuyên, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu.

Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung sức lực, trí tuệ, thời gian để rà soát những TTHC nhạy cảm, liên quan đến đa số người dân để nghiên cứu, đưa ra phương án rà soát, cắt giảm một cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất.

 Sớm thực thi các kiến nghị

Yêu cầu đặt ra trong quá trình đơn giản hóa TTHC là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp nhưng cũng bảo đảm công tác quản lý Nhà nước chặt chẽ, không tạo ra những khe hở để cho một số đối tượng lợi dụng.

 Đến nay, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được rất nhiều phương án đơn giản hóa TTHC của các bộ, ngành, địa phương. Nhiều phương án kiến nghị, đơn giản hóa của các địa phương, bộ, ngành đối với hơn 5.600 TTHC chung hiện nay, phản ánh những bất hợp lý của các TTHC đang áp dụng, cần phải sớm được thực thi.

Hiện nay, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đang cùng các chuyên gia, luật sư tiến hành rà soát, nghiên cứu kỹ các phương án đơn giản hóa TTHC mà các địa phương và bộ, ngành gửi về.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các kiến nghị đơn giản hóa TTHC của các bộ ngành, địa phương hiện nay cần phải sớm “hiện thực hóa” để đi vào cuộc sống và kiểm nghiệm xem cuộc sống chấp nhận như thế nào. Vì thế, Tổ công tác chuyên trách đang trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về đơn giản hóa 259 TTHC ưu tiên thuộc phạm vi, chức năng quản lý của các bộ, ngành Trung ương. Sau đó, sẽ trình tiếp 24 Nghị quyết về phương án đơn giản hóa TTHC đối với 24 bộ, ngành và trình Chính phủ 1 Nghị định về kiểm soát TTHC, nhằm không để phát sinh các TTHC không hợp pháp, hợp lý, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

 “Để đẩy mạnh quá trình “hiện thực hóa”, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành sửa đổi, bổ sung hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể là sẽ áp dụng hình thức “một luật sửa nhiều luật”, “một văn bản sửa nhiều văn bản” để có thể áp dụng ngay vào cuộc sống”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Đối với một số bộ, ngành chưa đáp ứng được tiêu chí cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng đã kiên quyết trả lại kết quả rà soát và kiến nghị đơn giản hóa để họ rà soát lại, có phương án cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC đạt tối thiểu 30% như yêu cầu.

Đến ngày 31/12/2010, Đề án 30 sẽ kết thúc. Nhưng để duy trì những thành quả đạt được, các công việc liên quan đến đơn giản hóa TTHC sẽ vẫn được thực hiện tích cực, thường xuyên.

“Khi kết thúc Đề án 30, chúng tôi sẽ kiến nghị thành lập cơ quan kiểm soát TTHC với mục tiêu không để phát sinh thêm TTHC không cần thiết nhằm tạo môi trường đầu tư, làm ăn và sinh sống tốt nhất cho nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

(Theo www.chinhphu.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây