Chấn chỉnh công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Thứ ba - 09/07/2013 00:00 53 0
Trên 80% các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua là do lỗi của người điều khiển phương tiện. Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi về chất lượng trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay.

Đào tạo, sát hạch vẫn còn nhiều bất cập

Hiện nay, cả nước có 296 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô thuộc các bộ, ngành, địa phương quản lý và được phân cấp cho địa phương quản lý trực tiếp. Cùng với đó, Bộ GTVT còn đang quản lý 84 Trung tâm sát hạch lái xe, với 36 Trung tâm loại 1 (sát hạch thí sinh các hạng xe) và 48 Trung tâm loại 2 (sát hạch thí sinh đến hạng C).

Với ngần ấy cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe thì xét về mặt số lượng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội và người học. Tuy nhiên, bài toán về chất lượng của các cơ sở, trung tâm đào tạo sát hạch này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập từ khâu đào tạo, sát hạch đến đạo đức nghề nghiệp của người lái xe.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam thừa nhận: “Việc thực hiện nội dung chương trình đào tạo ở một số cơ sở đào tạo không nghiêm. Một bộ phận người học lái xe hạng B1 (không chuyên nghiệp), chưa tự giác”.

Việc thi kiểm tra cấp chứng chỉ nghề của cơ sở đào tạo có nơi làm hình thức. Công tác sát hạch lái xe mô tô còn thực hiện chủ yếu theo phương thức sát hạch viên chấm điểm trực tiếp nên có nơi làm thiếu khách quan, minh bạch dẫn đến chất lượng sát hạch lái xe mô tô không đồng đều, hiện tượng tiêu cực trong sát hạch lái xe vẫn còn xảy ra, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm.

Và còn nhiều lỗ hổng trong cấp giấy phép lái xe

Tại buổi tọa đàm trực tuyến Giảm thiểu tai nạn giao thông, Đại tá Trần Sơn Hà, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt  cho biết có trường hợp lái xe khách gây tai nạn giao thông không biết chữ. Khi được hỏi học ở đâu, người lái xe này đã không thể trả lời được vì làm thủ tục qua một người khác.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại cầu Serepok, người lái xe gây tai nạn vẫn được đổi giấy phép lái xe trong quá trình thụ án hay vụ đổ xe ở Núi Guộc, Nghệ An, Người điều khiển phương tiện chỉ có 1 chân… Đây là một thực tiễn, chúng ta kiểm soát đầu vào chưa chặt, người ta làm giả hoặc thông qua một cách nào đó lấy được giấy phép lái xe, ông Hà thừa nhận.

Đặc biệt, thực tế đã xảy ra và báo chí nhiều lần báo động về tình trạng nhiều lái, phụ xe đường dài sử dụng ma túy đá, vậy an toàn ở đâu khi phía sau vô lăng của họ là tính mạng của hàng chục con người?

Anh Cao Bá Quyền, lái xe công ty TNHH Văn Minh, tỉnh Nghệ An, cho biết: Hiện nay, nhiều tài xế mới vào nghề không hiểu được đào tạo như thế nào nhưng kỹ năng xử lý tình huống trên đường rất kém, thậm chí nhiều người không hiểu hết Luật An toàn giao thông, không nắm vững các biển báo thì làm sao lái xe đảm bảo an toàn. Đồng tình với qua điểm này, lái xe Trương Thanh Hùng, đồng nghiệp với anh Quyền tại công ty TNHH Văn Minh, nói: Họ học trên sa hình là chủ yếu, số km thực tế điều khiển phương tiện còn thiếu, thi có khi còn bị cắt xén.

Tỏ rõ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, không thể đổ lỗi cho ý thức người dân, ý thức người lái xe, nếu chất lượng đào tạo chưa tốt, còn bớt thời gian học lý thuyết, thực hành. Tình trạng này cần phải được chấn chỉnh nghiêm túc

Siết chặt đào tạo, sát hạch - lời nói cần đi đôi với việc làm

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định: Việc siết chặt cấp giấy phép, đào tạo lái xe cũng là nội dung quan trọng để giảm tai nạn giao thông. Để đảm bảo khách quan, Bộ đã tách khâu đào tạo và khâu sát hạch. Đối với sát hạch, các trung tâm sát hạch được đầu tư công nghệ hiện đại đáp ứng được tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe góp phần giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông”. Thực hiện Đề án này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tập trung đôn đốc các cơ sở đào tạo lái xe chưa có xe tập lái có số tự động phải bổ sung đầy đủ cho người học lái xe theo nội dung chương trình quy định; thay thế xe tập lái hạng B là xe tải nhỏ, bảo đảm tỷ lệ theo quy định.

Các trung tâm, cơ sở sát hạch phải bổ sung đầy đủ và nghiêm túc thực hiện các yêu cầu mới về chương trình, nội dung đào tạo lái xe theo quy định như: Thời gian đào tạo các môn học; số km thực hành lái xe đối với mỗi học viên của từng hạng xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất một số cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe do đơn vị này quản lý  về cơ sở vật chất, hồ sơ, tài liệu... qua đó xác định khả năng thực tế đào tạo lái xe.

Được biết, trong thời gian tới Ủy ban ATGT Quốc gia cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra các cơ sở đào tạo sát hạch cấp GPLX, đặc biệt sẽ rút giấy phép đối với các cơ sở đào tạo không đủ tiêu chuẩn. Kiến nghị rút giấy phép đối với các cơ sở để học viên của trường sau khi ra hành nghề gây nhiều TNGT.

Theo chinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây